Cô giáo về hưu dạy văn bị bình luận 'xúc phạm': Sấm cũng không bất ngờ trên hàng cây đứng tuổi

Những bình luận tiêu cực và thái độ xúc phạm của một bộ phận giới trẻ trên TikTok dành cho cô giáo về hưu dạy văn trên TikTok khiến cộng đồng mạng bức xúc.

Mới đây, những đoạn video của cô giáo về hưu dạy văn với tấm bảng đen kèm màu phấn trắng cùng bài giảng xuất hiện khắp các trang mạng xã hội Facebook và TikTok. Điều này khiến cộng đồng mạng vô cùng thán phục và ngưỡng mộ về tình yêu lớn lao của cô dành cho môn Văn.

Tuy nhiên, bên cạnh những bình luận tích cực, cộng đồng mạng vô cùng bức xúc trước những bình luận tiêu cực và thái độ của một bộ phận giới trẻ trên TikTok dành cho cô giáo về hưu dạy văn.

Cụ thể một đoạn video vì sự cố âm thanh dẫn đến tiếng của âm thanh trong video bị vang, đã nhận về nhiều bình luận với lời lẽ bỡn cợt, xúc phạm đến cô như: "Tao mà học 3 tiết này chắc đầu thai", "Cô bị ma nhập hả?", "Nghe cô nói mà em cứ thấy văng vẳng ở miền cực lạc", "Cô ngáo à", "Tranh cơm của giáo viên trẻ à?"....

 Cô Trình bắt đầu lập kênh TikTok từ tháng 3-2023, đến nay sau 14 tháng, tài khoản Tiktok của cô cũng có gần 281.000 ngàn lượt theo dõi. Ảnh: chụp màn hình

Cô Trình bắt đầu lập kênh TikTok từ tháng 3-2023, đến nay sau 14 tháng, tài khoản Tiktok của cô cũng có gần 281.000 ngàn lượt theo dõi. Ảnh: chụp màn hình

Tôn sư trọng đạo trong thời đại số

Tài khoản Facebook Bùi Quang Minh viết: "Đọc cmt dưới clip giảng bài của cô giáo Văn trên TikTok mà sợ…Cô Ngô Thúy Trình đã về hưu nhưng vẫn đam mê với dạy học và văn chương. Dù tôi thi Đại học 7 năm trước nhưng kể từ lúc biết kênh của cô, tôi vẫn vào xem thường xuyên. Có một cảm giác gì đó gần gũi, nhẹ nhàng, chạm được vào sâu từng mảng tâm hồn của tôi.

Một người ở độ tuổi như Cô Trình làm kênh TikTok phải nói là rất can đảm và đáng khâm phục. Xem kênh của cô, mọi thứ chân thực và mộc mạc, từ chất lượng hình ảnh, cách quay, edit, tấm bảng đen, phấn trắng, cái thước, quyển sách, cho tới trang phục của cô - giống như rất nhiều giáo viên Văn khác trên đất nước Việt Nam.

Theo phán đoán của tôi, cô Trình làm kênh để thỏa mãn nỗi nhớ nhung khi không còn đứng trên bục giảng ở nhà trường. Vì rõ ràng nhìn vào kênh, chúng ta sẽ chẳng bao giờ nghĩ cô muốn danh tiếng, hay để bán hàng, tạo chiêu trò câu view. Thậm chí cô còn truyền tải cả tư duy tiếp cận đề bài, triển khai ý tứ mạch lạc để học sinh không ngại làm Văn. Và tới lúc đọc bình luận, tôi thấy buồn hơn là bức xúc. Học Văn không chỉ là học cách viết một bài văn miêu tả, tự sự, nghị luận… mà còn học cách làm người, học cách nhìn ra vẻ đẹp cũng như những góc chưa đẹp ở cuộc sống xung quanh ta. Đọc và học văn giỏi chưa chắc đã giúp mình trở thành người thành công, giàu có hay trở thành người tốt. Nhưng nó làm cho tâm mình dịu lại trong quá trình trưởng thành, có tư duy đa chiều khi đối diện vấn đề.

Vốn không lạ gì với comment ở trên TikTok, nhưng vẫn bất ngờ vì “năng lượng” này tràn vào cả kênh của 1 người cả đời hết mình cống hiến cho nghề giáo, giờ đây hàng ngày làm clip, xây dựng content hữu ích, lắng đọng.

Cô Trình làm tôi nhớ đến mẹ của mình. Mẹ tôi cũng là giáo viên dạy Văn cấp 2, cũng đã về hưu. Suốt mấy chục năm dạy học, mẹ cần mẫn vượt 40km mỗi ngày để tới trường. Mẹ cũng chỉ là một cô giáo Văn bình thường, truyền tải kiến thức qua nhiều thế hệ. Ngay cả khi về hưu, thi thoảng mẹ vẫn hay sang phòng đọc những cuốn sách văn học của tôi (Dù sách tôi mua toàn sách sến, tản văn, thơ, truyện ngắn…)".

Tài khoản Facebook Hương Vũ viết: “Theo dõi cô từ ngày đầu cô live... khi đó có 2 người xem, trong đó người thứ 2 là mình. Cô say mê truyền đạt chia sẻ, mình vẫn ngồi lắng nghe, nghe và thấy được lối văn ngày xưa mình đã từng học của cô giáo mình. Bản thân mình cũng theo lối văn đó. Nhìn cô rất thương vì cả buổi live chỉ có 1 vài người vào xem rồi bỏ đi... giờ cô không live nhưng luôn làm clip để hướng dẫn cho học sinh thi 10 và thi đại học. Thật sự nếu không có sự đam mê thì cô không thể làm được điều đó. Khâm phục cô!”.

 Các bài giảng của cô hoàn toàn miễn phí, 14 tháng qua cô không nhận bất kỳ quảng cáo hay tiền công gì. Ảnh: Chụp màn hình

Các bài giảng của cô hoàn toàn miễn phí, 14 tháng qua cô không nhận bất kỳ quảng cáo hay tiền công gì. Ảnh: Chụp màn hình

Tôi không để tâm!

Trao đổi với PLO, cô Ngô Thúy Trình cho biết đã đọc hết những bình luận không hay trên mạng, tuy nhiên cô không để tâm. Trên mạng có rất nhiều thành phần, nhiều người khác nhau, cô không thể kiểm soát suy nghĩ của tất cả mọi người. Các bài giảng của cô hoàn toàn miễn phí, 14 tháng qua cô không nhận bất kỳ quảng cáo hay tiền công gì.

Tôi rất muốn đem kinh nghiệm nhưng không có cách nào chia sẻ với mọi người. Trong thời gian rảnh, tôi đã 4 lần chép lại toàn bộ truyện Kiều để giết thời gian. Nhờ một người đồng nghiệp hướng dẫn nên tôi biết cách sử dụng Tiktok và đăng tải những bài giảng đầu tiên.

"Bài thơ Sang thu của tác giả Hữu Thỉnh có viết: "Sấm cũng bớt bất ngờ trên hàng cây đứng tuổi", còn trường hợp của tôi thì "Sấm cũng không bất ngờ trên hàng cây đứng tuổi". Những điều dư luận đang bàn tán không khiến tôi bất ngờ và cũng không làm ảnh hưởng đến "hàng cây đứng tuổi" này. Tôi vẫn cố gắng để có những bài giảng miễn phí cho học sinh mà thôi" – cô Trình nói.

Trên kênh Tiktok @cogiao_ngothuytrinh, cô Trình thường xuyên đăng tải các bài giảng về cách làm bài nghị luận xã hội, phân tích tác phẩm văn học,...

Cô Trình bắt đầu lập kênh từ tháng 3-2023, đến nay sau 14 tháng, tài khoản Tiktok của cô cũng có gần 281.000 ngàn lượt theo dõi.

TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-giao-ve-huu-day-van-bi-binh-luan-xuc-pham-sam-cung-khong-bat-ngo-tren-hang-cay-dung-tuoi-post791121.html