Chuyện về những người 'bắt mạch' hồ thủy điện Hòa Bình

Nằm trên một hòn đảo nhỏ, Trạm Môi trường Tà Hộc, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn có nhiệm vụ đo đạc yếu tố mực nước, nhiệt độ nước, lượng mưa và quan trắc môi trường nước hồ Hòa Bình. Công việc của những người 'bắt mạch' cho hồ thủy điện Hòa Bình phục vụ công tác dự báo khí tượng thủy văn, điều tiết hồ chứa và phòng chống thiên tai đã để lại cho chúng tôi thật nhiều ấn tượng.

Trung tuần tháng 3, chúng tôi có dịp cùng đoàn cán bộ của Đài Khí tượng thủy văn khu vực (KTTVKV) Tây Bắc thăm Trạm Môi trường Tà Hộc, được xây dựng bên bờ phải dòng sông Đà, gần Cảng Tà Hộc, là trạm hạng III, nằm trong mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, được thành lập từ năm 1954. Trước đây, Trạm có tên là Trạm Thủy văn Tạ Khoa, nằm tại bến phà Tạ Khoa thuộc huyện Bắc Yên. Từ năm 1990, hồ thủy điện Hòa Bình tích nước, Trạm quan trắc của trạm bị ngập sâu nên phải di chuyển về Tà Hộc, Mai Sơn. Trạm chính thức được bàn giao từ Viện Khí tượng thủy văn cho Đài KTTVKV Tây Bắc từ cuối năm 1996.

Trạm Môi trường Tà Hộc nằm biệt lập trên đảo nhỏ.

Trạm Môi trường Tà Hộc nằm biệt lập trên đảo nhỏ.

Từ Cảng Tà Hộc xuôi thuyền đến hòn đảo nhỏ bên bờ sông Đà, nằm ở vị trí biệt lập, Trạm chỉ có 1 ngôi nhà cấp IV, xung quanh được che mát bởi cây xanh. Ở đây chỉ có 2 nhân viên quan trắc làm nhiệm vụ ngày đêm để đo đạc yếu tố mực nước, nhiệt độ nước, lượng mưa và quan trắc môi trường nước hồ Hòa Bình. Đón chúng tôi, anh Trịnh Ngọc Sơn, Trưởng Trạm, chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng quê Mường Lay (Điện Biên), gia đình sinh sống ngay cạnh Trạm Thủy văn Mường Lay. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trường Cán bộ KTTV (nay là Đại học Tài nguyên và Môi trường), tôi đã đăng ký về công tác tại Đài KTTV khu vực Tây Bắc.

Trước khi về công tác tại Trạm Môi trường Tà Hộc, anh Trịnh Ngọc Sơn và vợ công tác tại một số trạm thủy văn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, nhưng mỗi người mỗi trạm. Đến tháng 5/2005, Đài KTTVKV Tây Bắc tạo điều kiện cho 2 vợ chồng về công tác tại Trạm Môi trường Tà Hộc. Ngày đầu vào nhận nhiệm vụ, khu vực Trạm rất hoang sơ, hẻo lánh, điện, nước, thông tin liên lạc không có. Mãi đến năm 2008, Trạm mới được kéo điện. Từ quả đồi cỏ dại um tùm, ngoài giờ làm việc, 2 vợ chồng lại cùng nhau cải tạo cảnh quan cho trạm, kết hợp trồng ngô, nuôi gà, thả rọ bắt tôm... tăng gia sản xuất để tự cung, tự cấp.

Ngày nắng cũng như ngày mưa quan trắc viên đều thực hiện nhiệm vụ.

Ngày nắng cũng như ngày mưa quan trắc viên đều thực hiện nhiệm vụ.

Thấm thoắt gần 20 năm gắn bó với Trạm, anh Sơn không nhớ hết bao nhiêu lần đối mặt với nguy hiểm. Ấn tượng nhất với anh là trận lũ lịch sử ngày 26/9/2008, lượng mưa trong 2 ngày hơn 400mm, nước suối cuồn cuộn đổ về, gió lớn, sóng nước dâng cao gần 3m, hai bên bờ sông đất đá lở ầm ầm, dãy tre phía trước Trạm bị nước sông cuốn trôi, mưa lũ kéo dài gây sạt lở đường, khiến Trạm bị cô lập trong 2 tháng. Giữa đảo chênh vênh, hai vợ chồng anh Sơn vẫn bất chấp nguy hiểm, người quan trắc, người ghi số liệu để có những con số chính xác, kịp thời nhất gửi về Đài đúng khung giờ, vừa đảm bảo an toàn về người và bảo vệ các phương tiện, dụng cụ đo đạc. Năm 2013, Đài KTTV khu vực Tây Bắc chuyển vợ anh Sơn ra nhận công tác tại Phòng Mạng lưới trạm và Thông tin KTTV để tạo thuận lợi cho 2 con nhỏ đi học thuận lợi.

Nhân viên quan trắc còn lại của Trạm hiện nay là anh Hà Văn Tưởng, người con của bản Hộc, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn. Tốt nghiệp Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường chuyên ngành thủy văn, anh Tưởng có 5 năm công tác tại Trạm Tà Gia, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, từ tháng 7/2017 anh được phân công nhận nhiệm vụ tại Trạm Tà Hộc.

Quan trắc viên lấy mẫu môi trường nước hồ.

Quan trắc viên lấy mẫu môi trường nước hồ.

Đang dở câu chuyện, tiếng chuông hẹn giờ vang lên. Anh Sơn và anh Tưởng vội vàng chuẩn bị các dụng cụ cần thiết cho “Obs” quan trắc lúc 16 giờ. Anh Tưởng vừa làm, vừa kể: Trung bình mỗi ngày, chúng tôi phải thực hiện quan trắc thủy văn, với tần suất quan trắc mực nước 4-12 lần/ngày; nhiệt độ nước 2 lần/ngày; quan trắc mưa 4 lần/ngày. Số liệu quan trắc chuyển ngay sau khi quan trắc 15 phút; báo cáo, tài liệu được tính toán, biên tập và gửi về Đài trước ngày mùng 5 hằng tháng. Về môi trường nước hồ, đúng 7h sáng ngày 15 hằng tháng, Trạm thực hiện lấy mẫu, đo các thông số tại hiện trường, lọc, xử lý và gửi mẫu nước theo quy định. Việc thực hiện lấy mẫu theo 3 tầng, gồm tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy. Thông thường, thời gian tiến hành quan trắc, lấy mẫu khoảng 2-2,5 tiếng. Trong vòng 2 giờ sau đó, phải hoàn tất khâu xử lý mẫu tại trạm, sau đó, ra ngoài trung tâm huyện cách trạm 30 km gửi ngay mẫu về Trung tâm Quan trắc Khí tượng Thủy văn để phân tích các thông số môi trường nước hồ.

Ngày qua ngày, họ cứ miệt mài với công việc thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng đó. Số liệu đo đạc, quan trắc tại Trạm Môi trường Tà Hộc góp phần phục vụ điều tiết nước hồ Thủy điện Hòa Bình, giao thông đường thủy, đảm bảo công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, phục vụ phòng chống thiên tai của địa phương. Đồng thời, giúp đánh giá chất lượng nước, để phát triển các ngành kinh tế thủy sản, nông nghiệp, khi khai thác và sử dụng nguồn nước.

Quan trắc mẫu nước sông.

Quan trắc mẫu nước sông.

Anh Nguyễn Văn Nguyên, Chánh văn phòng Đài KTTVKV Tây Bắc, cho biết: Mạng lưới trạm quan trắc môi trường nước sông, hồ của Đài gồm 7 trạm. Trong đó, 3 trạm quan trắc môi trường nước hồ (Tà Hộc, Vạn Yên, lắng đọng a xít Hòa Bình); 3 trạm quan trắc môi trường nước sông (Hòa Bình, Tạ Bú và Mường Lay); 1 trạm quan trắc môi trường không khí, nước mưa Sơn La. Do đặc thù nghề nghiệp, các trạm quan trắc môi trường nước sông, hồ, các trạm thủy văn đều nằm gần bờ sông, bám theo địa hình các dòng sông, phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật mới đặt được trạm, nên điều kiện khó khăn hơn so với các trạm khí tượng thường khác. Đài luôn quan tâm đảm bảo chế độ tiền lương, phụ cấp đặc thù, công tác phí kịp thời cho viên chức và người lao động tại các Trạm; quan tâm sửa chữa, nâng cấp nhà trạm, công trình quan trắc để đảm bảo điều kiện sinh hoạt, công tác cho anh em... để họ yên tâm công tác, cống hiến cho ngành khí tượng thủy văn - một ngành đặc thù và thầm lặng.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chuyen-ve-nhung-nguoi-bat-mach-ho-thuy-dien-hoa-binh-48849