Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật

Tăng cường đầu tư triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật là một trong những thành tựu của Liên hiệp và các hội văn học nghệ thuật trong 3 tháng đầu năm 2024.

Chiều 5/4, Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật và hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương quý I/2024 đã diễn ra tại Hà Nội.

Nhiều hoạt động văn học, nghệ thuật thiết thực, ý nghĩa

Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - nhận xét trong 3 tháng đầu năm, hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn học nghệ thuật.

"Không chỉ các hoạt động trong nước mà những chương trình hợp tác với quốc tế, các đoàn trao đổi biểu diễn quốc tế cũng có nhiều thành tựu, các sự kiện ngày một khởi sắc so với năm trước", ông nói.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương - nhận xét trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, bất ổn, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao; kinh tế thế giới phục hồi chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, đầu tư cho các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ phải tiết giảm.

Trước tình hình đó, Liên hiệp và các hội VHNT vẫn chủ động, sáng tạo, linh hoạt theo điều kiện cụ thể, tiến hành tổ chức, triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả và đạt được những kết quả nhất định.

Cụ thể, trên cả nước, các hoạt động sáng tạo, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, với các hình thức phong phú, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của công chúng.

 Quang cảnh hội nghị chiều 5/4.

Quang cảnh hội nghị chiều 5/4.

Các đơn vị nghệ thuật tiếp tục được phục hồi, các loại hình nghệ thuật đã có những tìm tòi, đổi mới đáng trân trọng, sân khấu truyền thống có nhiều khởi sắc. Nhiều tác phẩm được in ấn, triển lãm, biểu diễn, nhiều chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp được dàn dựng công phu, có chất lượng, phong trào văn học, nghệ thuật quần chúng ở cơ sở được quan tâm, đầu tư, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc.

Bên cạnh đó, báo chí, truyền thông, mạng Internet tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo góp phần truyền tải các hoạt động, các tác phẩm, tác giả, sáng tác mới về văn học, nghệ thuật đến với đông đảo công chúng. Công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng được Liên hiệp và các hội tăng cường đầu tư triển khai với những chương trình, đề án cụ thể.

Cụ thể, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã triển khai đề án số hóa các tác phẩm đã được chính phủ phê duyệt; Hội Điện ảnh Việt Nam lập cơ sở dữ liệu về hội viên, xây dựng web và kỷ yếu điện tử của hội; Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập bộ máy, nhân sự để tổ chức triển khai tập hợp, lưu trữ, số hóa các tác phẩm âm nhạc; Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam xây dựng đề án số hóa các chân dung nghệ sĩ đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT và nghệ sĩ nhân dân; Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam triển khai đề án số hóa theo phê duyệt của Chính phủ.

Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tiếp tục được liên hiệp và các hội quan tâm, chú trọng. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật trên cả nước được tăng cường, nhiều thành phố trong nước phối hợp với Liên hiệp và các hội tiến hành đăng cai tổ chức thường kỳ các sự kiện nghệ thuật tầm cỡ quốc tế.

Về công tác xây dựng tổ chức Liên hiệp và các hội cũng được quan tâm. Công tác vận động, thu hút hội viên, nhất là hội viên trẻ tham gia các sinh hoạt, hoạt động của hội được tăng cường, chú trọng với nhiều sáng kiến. Việc xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy tiếp tục được Liên hiệp và các Hội quan tâm, đạt được những kết quả tích cực.

Cuối cùng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật tiếp tục được tăng cường, đi vào nề nếp với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng có một số nhiệm vụ các hội cần tập trung trong những quý tiếp theo của năm 2024.

Thứ nhất, trước những ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước sắp tới như 30/4, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), 19/5... các hội cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có kế hoạch phân bổ nguồn lực, kinh phí, phối hợp với nhau để thực hiện tốt các hoạt động.

Bên cạnh đó, ông cho rằng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa về kinh phí, tháo gỡ các vướng mắc về luật pháp.

 (Từ trái sang) ông Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương.

(Từ trái sang) ông Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đề cập đến Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam diễn ra tháng 12/2023. Ông cho rằng các hội cần có những bước đi, hướng triển khai cụ thể hơn nữa để đạt được hiệu quả.

Cuối cùng, cần triển khai đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nhằm vừa bảo tồn được văn hóa truyền thống trong nước, phát huy bản sắc dân tộc vừa giới thiệu được văn hóa Việt Nam tới quốc tế. Để làm được điều đó, cần có các chiến lược, kế hoạch cả ngắn hạn và dài hơi.

Ánh Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-van-hoc-nghe-thuat-post1468694.html