Tràn ra đường chụp ảnh 'cúng face', chuyện không hề nhỏ

Từ những vụ việc chụp ảnh trên đường cơ quan chức năng đã xử lý cho thấy mỗi người cần tuân thủ pháp luật, phòng tránh hậu quả đáng tiếc và không gây ảnh hưởng tới những người xung quanh.

Đoàn rước dâu bằng xe sang dừng đỗ trên tuyến đường trục Bắc – Nam của tỉnh để chụp ảnh chiều 21/4

Đoàn rước dâu bằng xe sang dừng đỗ trên tuyến đường trục Bắc – Nam của tỉnh để chụp ảnh chiều 21/4

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lộc vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về tội gây rối trật tự công cộng trong vụ đoàn rước dâu bằng xe sang dừng đỗ trên tuyến đường trục Bắc – Nam tỉnh Hải Dương để chụp ảnh. Vụ việc này trước đó đã gây bức xúc cho người tham gia giao thông và cộng đồng mạng vì ảnh hưởng tới an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn. Nhưng khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì vẫn có luồng ý kiến cho rằng như vậy là quá nặng đối với hành vi của các bị can. Chính tâm lý, nhận thức như thế là một phần của nguồn gốc cho các hành vi phạm tội một cách hồn nhiên của một số người.

Có những người cho rằng việc dừng xe ô tô trên đường để chụp ảnh như các bị can là việc nhỏ, không đáng bị xử phạt, và vì đó là ngày vui của gia đình nên xuê xoa cho qua. Cách suy nghĩ này mới chỉ dừng lại ở bên ngoài của sự việc mà chưa nhìn thấy những nguy cơ gây ra các hậu quả xấu sâu xa bên trong. Việc đỗ nhiều xe ô tô trên đường gây ách tắc và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, dễ gây ra tai nạn. Mỗi một phút ách tắc giao thông trên đường gây lãng phí nhiều nguồn lực xã hội, tốn thêm thời gian cho người tham gia giao thông, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu cản trở các loại xe đặc thù như xe cấp cứu, cứu hỏa, hộ đê… Khi những vụ việc thế này được quay, chụp đăng tải lên mạng xã hội, "cúng face", tạo ra làn sóng chụp ảnh cưới giữa đường thì hậu quả sẽ còn nhân lên gấp nhiều lần.

Thực tế, đã có những hành vi đua đòi dần dẫn đến vi phạm quy định về an toàn giao thông như nhảy múa khi qua đường trên vạch dành cho người đi bộ, tập yoga ở ngay trước đầu xe ô tô, ở giữa lòng đường ở TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Thái Bình… Và cũng đã có trường hợp bị xử phạt như nhóm phụ nữ tập yoga chụp ảnh giữa đường ở Thái Bình vừa qua. Điều 318 Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ về những trường hợp gây rối trật tự công cộng như thế này. Do đó, những người cho rằng đây là việc nhỏ là thể hiện sự thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu ý thức chung vì cộng đồng, gây khó khăn cho việc quản lý xã hội.

Việc chụp ảnh sẽ chỉ là việc nhỏ nếu chúng ta tuân thủ luật pháp, không gây ảnh hưởng tới những người xung quanh. Đó là khi đoàn xe rước dâu dừng đỗ đúng nơi quy định, những người chụp ảnh đứng ở khu vực dành cho người đi bộ, đồng thời không cản trở những người tham gia giao thông khác. Còn nếu trên đường không cho phép dừng đỗ xe, không có chỗ dành cho người đi bộ thì không nên cố gắng chụp ảnh...

Từ ngày có mạng xã hội, nhất là facebook, phong trào chụp ảnh lan rộng. Bên cạnh mặt tích cực, giải trí, nhiều người nghiện facebook, cái gì cũng khoe lên, cụm từ "cúng face" ra đời và gây ra nhiều chuyện dở khóc dở cười, nhiều hệ lụy.

Có ý thức chấp hành pháp luật từ những việc tưởng chừng rất nhỏ mới xây dựng được xã hội thượng tôn pháp luật. Nếu cho sai phạm là việc nhỏ và dễ dãi bỏ qua sẽ dần dẫn đến những cái sai lớn hơn, gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Xử phạt những hành vi sai trái tưởng chừng là nhỏ nhưng tiềm ẩn hậu quả lớn chính là cách răn đe, ngăn ngừa để người vi phạm cũng như những người khác không tiếp tục vi phạm pháp luật.

THÁI HÒA

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/chup-anh-tren-duong-khong-phai-chuyen-nho-382271.html