Chứng thực chữ ký tránh rắc rối về sau

Chứng thực chữ ký quy định rõ trong các văn bản pháp luật, thế nhưng một bộ phận người dân vẫn chưa hiểu, còn gây khó cho người làm công tác tư pháp.

Chứng thực chữ ký.

Chứng thực chữ ký không phải là việc quá xa lạ đối với mọi người, nhưng một bộ phận người dân chưa nắm rõ gây khó khăn cho những người làm tư pháp. Một trong những câu chuyện xảy ra mới đây tại bộ phận tư pháp một xã của huyện Đức Linh mà chúng tôi chứng kiến là điển hình.

Cụ thể, sau khi mẹ mất, vợ chồng ông T.C.D ở xã Nam Chính, huyện Đức Linh đến UBND xã làm giấy chứng tử và đề nghị xã chi trả tiền mai táng phí theo các điều khoản Luật Người Cao tuổi năm 2019, với số tiền hơn 7 triệu đồng. Trước lời đề nghị, cán bộ tư pháp xã yêu cầu ông D về họp gia đình, cử ra một người trong số anh, chị, em đại diện làm thủ tục nhận khoản tiền này. “Nếu thống nhất được thì ra xã chúng tôi hướng dẫn tiếp”, cán bộ tư pháp nói.

Vì cứ nghĩ mình có công nuôi dưỡng mẹ trong 4 năm cuối đời là có quyền được hưởng khoản tiền này. Những anh, chị, em khác không nuôi dưỡng thì không liên quan, nên ông D phản ứng lại gay gắt yêu cầu của cán bộ tư pháp. Thấy hành động cương quyết của lãnh đạo cũng như cán bộ tư pháp xã, ông bà D ra về. Sau đó ông quay lại xã với một bản ủy quyền viết tay, có ghi thông tin ông và các thành viên trong gia đình. Nhưng cán bộ tư pháp cho biết, giấy ủy quyền viết tay này không hợp lệ, đồng thời đưa cho ông một biểu mẫu giấy ủy quyền. Hướng dẫn ông kê khai tên mình, người được ủy quyền nhận tiền; ghi thêm thông tin anh, chị, em trong gia đình. Sau khi kê khai và ký tên xong ông để lại giấy và về nhà thông báo cho các anh, chị, em trong gia đình đến bộ phận một cửa hoặc gặp cán bộ tư pháp xã ký tên vào giấy, bất kể ngày nào trong tuần, ngoại trừ ngày nghỉ và ngoài giờ hành chính.

Tuy nhiên, thay vì làm vậy, ông đề nghị cán bộ tư pháp cho phép mình mang biểu mẫu giấy ủy quyền này về nhà, tự đi lấy chữ ký của các anh, chị, em trong gia đình, rồi mang đến nộp. Cán bộ tư pháp không chấp nhận, vì như vậy là trái quy định, dễ xảy ra tiêu cực như giả chữ ký, sinh ra đơn thư khiếu nại phức tạp. Không đạt được ý muốn, ông D quay sang trách móc cán bộ tư pháp cho rằng làm như vậy là đang làm khó cho người dân dù cán bộ này có cố gắng giải thích. “Chúng tôi làm như vậy nhằm tránh những rắc rối về sau, như tranh chấp về quyền lợi nhân thân. Điều này đã từng xảy ra trong cuộc sống, gây đơn thư kiện cáo phức tạp…”, cán bộ tư pháp chia sẻ.

Trên thực tế trường hợp như ông D không nhiều, đa phần người dân nắm rõ quy định pháp luật. Bởi Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, quy định chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền theo quy định tại khoản 4 điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Trong đó nêu rõ, việc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp gồm, ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp; ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội...

Ông Huỳnh Thanh Sang - Trưởng Phòng Công chứng số 1 thuộc Sở Tư pháp cho biết: quy định về thủ tục chứng thực chữ ký có 3 bước, trong đó bước thứ 3 quy định rõ, đối với trường hợp chứng thực chữ ký tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thì công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra các giấy tờ, nếu nhận thấy người yêu cầu chứng thực có đủ điều kiện, công chứng viên đề nghị người yêu cầu chứng thực ký vào giấy tờ cần chứng thực và chuyển cho người có thẩm quyền ký chứng thực. Điều này bao gồm cả trường hợp chứng thực chữ ký của nhiều người trong cùng một giấy tờ, văn bản. Trong quá trình chứng thực cán bộ tư pháp có thể hỗ trợ người yêu cầu chứng thực bằng cách phối hợp với trưởng thôn đến tận nhà chứng thực nếu người ấy bị bệnh tật, ốm đau không thể đi lại.

Theo đó, việc chứng thực chữ ký là phải theo Quy định pháp luật, chứ không phải người cán bộ tư pháp tự "vẽ" ra làm khó người dân. Vì vậy người dân phải chấp hành góp phần xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, hiện đại, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh mà Đảng và Nhà nước ta hiện đang quyết tâm thực hiện.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chung-thuc-chu-ky-tranh-rac-roi-ve-sau-118471.html