Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường Trường Sơn huyền thoại

TS. Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Quyết định mở đường Trường Sơn và quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, điều hành xây dựng, phát triển tuyến vận tải chi viện là một sáng tạo độc đáo của Đảng, thể hiện tầm cao trí tuệ, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã theo sát quá trình này, động viên, khen ngợi và căn dặn kịp thời.

Tuyến chi viện chiến lược

Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết, các nước tham gia hội nghị đã tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ vẫn âm mưu chia cắt đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.

Nhận định trước tình hình, tháng 6.1956, Bộ Chính trị đã họp bàn về xây dựng lực lượng cách mạng và căn cứ địa ở miền Nam dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, Người gửi thư đến đồng bào cả nước, khẳng định: “Đường lối đấu tranh của chúng ta hiện nay là: Toàn dân từ Nam đến Bắc, đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ra sức củng cố miền Bắc thành nền tảng vững mạnh cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà… Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”.

Đến năm 1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (mở rộng) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp tại Hà Nội xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, đề ra mục tiêu và phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền Nam - Bắc nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước ngày 12.1.1967. Ảnh: tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước ngày 12.1.1967. Ảnh: tư liệu

Để thực hiện được nhiệm vụ này, việc phát huy mạnh mẽ vai trò của hậu phương, tổ chức tuyến giao liên vận tải để chi viện kịp thời cho tiền tuyến là điều vô cùng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã cho chủ trương xây dựng tuyến giao liên này. Đoàn công tác quân sự đặc biệtđược thành lập tháng 5.1959 với phiên hiệu là Đoàn 559 thực hiện nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam; tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ; chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc.

Đầu tháng 6.1959, công tác chuẩn cơ bản hoàn thành. Trước lúc Đoàn 559 lên đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Phải tuyệt đối giữ bí mật. Lúc này mà giữ được bí mật sẽ cầm chắc thắng lợi”. Thực hiện chỉ thị của Người, Ban cán sự của Đoàn đã tổ chức cho bộ đội cải trang thành nhân dân từ trang phục đến cách thức sinh hoạt. Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, ngày 26.6.1959, Đoàn hành quân vào phía Nam, trèo đèo, lội suối, đến ngày 13.8.1959, thực hiện thành công chuyến hàng đầu tiên chi viện cho chiến trường miền Nam: chuyển giao được 60 súng trung liên, 100 súng tiểu liên, súng trường và hàng nghìn viên đạn súng bộ binh cho Liên khu 5.

Tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn khi đầu với phương châm: “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, phương thức vận chuyển vác bằng vai, thồ bằng ngựa, voi và bằng xe đạp của bộ đội Trường Sơn, con đường đã trở thành tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Nhờ triệt để khai thác điều kiện thuận lợi của tự nhiên, kết hợp với sự sáng tạo độc đáo, các lực lượng trên đường Trường Sơn đã xây dựng nên tuyến đường chi viện đảm bảo cho các phương tiện hoạt động cả ngày - đêm trong điều kiện đánh phá ác liệt của địch, trở thành cầu nối liền mạch giữa hậu phương miền Bắc đối với chiến trường miền Nam.

Vì miền Nam ruột thịt đang chờ…

Trước yêu cầu ngày càng tăng của chiến trường, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy quyết định tăng khối lượng chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến cuối năm 1961, Đoàn 559 đã chuyển được một khối lượng hàng hóa khá lớn vào chiến trường: giao cho Khu 5 hơn 250 tấn vũ khí, hơn 50 tấn hàng hóa dân dụng, tạo được chân hàng ở khu vực Đường số 9 hơn 30 tấn; đưa đón bảo đảm cho gần 8.000 cán bộ, bộ đội Trường Sơn vào chiến trường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi và động viên: “Đoàn 559 bước đầu làm được như vậy là giỏi, nhưng cần nghiên cứu tổ chức làm tốt hơn nữa”.Người cũng căn dặn: “Các chú cần khôn khéo giữ bí mật bất ngờ mới thắng địch… Muốn làm cách mạng phải có dân, có bộ đội mạnh khỏe. Các chú phải chăm lo đến đời sống bộ đội hơn nữa và giúp đỡ dân. Các chú cần mở thêm đường, cần có nhiều cách vận chuyển, tiến tới vận chuyển lớn mới đáp ứng được yêu cầu cách mạng miền Nam”.

Tháng 3.1965, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đứng trước nguy cơ phá sản. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ đưa lực lượng quân chiến đấu vào miền Nam, dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhận định, đánh giá tình hình địch, ta, hạ quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Đường Trường Sơn được mở rộng, từ đi bộ và gùi thồ thành hệ thống vận chuyển cơ giới đi lại suốt tuyến đi lại cả hai mùa mưa và mùa khô để đẩy mạnh chi viện cho chiến trường miền Nam và đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Bộ Tư lệnh 559 được bổ sung từng bước vật chất trang bị để đủ sức “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Khi nghe đồng chí Phan Trọng Tuệ - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tham gia Quân ủy Trung ương và giữ chức Chính ủy kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 báo cáo về kế hoạch xây dựng lực lượng vận tải và mở hệ thống đường cơ giới xuyên Trường Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc mở đường chi viện cho cách mạng miền Nam là nhiệm vụ cấp bách và có nhiều khó khăn. Nhưng vì miền Nam ruột thịt đang chờ đợi hậu phương tiếp tế, do đó phải hết lòng, hết sức khắc phục khó khăn để cho tiền tuyến. Đoàn kết một lòng, mưu trí, sáng tạo thì khắc phục được… Phải hết lòng giúp đỡ nhân dân bạn. Bạn đang gặp nhiều khó khăn, không được làm mất lòng dân. Bác gửi lời thăm các chiến sĩ, công nhân, thanh niên xung phong và dân quân ở các tuyến đường”.

Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn tới Lộc Ninh (Bình Phước) với tổng chiều dài gần 17.000km đường cho xe cơ giới (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên dài trên 3.000km; đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400km; cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường vượt khẩu, đường sông, đường thông tin liên lạc...

Tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo độc đáo, có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhờ đó, chúng ta đã mở được những chiến dịch với quy mô ngày càng lớn trên khắp chiến trường miền Nam và tiến nhanh đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975 góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/theo-dong-su-kien/chu-tich-ho-chi-minh-voi-duong-truong-son-huyen-thoai-i372180/