Chủ động nhiên liệu đáp ứng nhu cầu điện tăng cao

Những tháng đầu năm nay, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cùng với nắng nóng gay gắt diện rộng diễn ra tại cả 3 miền, nhu cầu điện sản xuất, sinh hoạt rất cao. Công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ điện ngày trên quy mô toàn quốc đã tăng cao với những con số đạt kỷ lục mới với công suất cực đại lên tới 47.670 MW, sản lượng tiêu thụ ngày cao nhất vào cuối tháng 4 đạt 993 triệu kWh.

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tháng 4 vừa qua, lũy kế 4 tháng đầu năm nay, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 96,16 tỷ kWh, tăng 12,4% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng và tỷ trọng huy động các loại hình nguồn điện toàn hệ thống trong tháng 4 vừa qua với nhiệt điện than cao nhất đạt gần 57 tỷ kWh, chiếm 59,2%; thủy điện 14,41 tỷ kWh, chiếm 15%; tua bin khí 8,52 tỷ kWh, chiếm 8,9%; năng lượng tái tạo 14,55 tỷ kWh, chiếm 15,1%.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc EVN yêu cầu các đơn vị trong ngành đảm bảo sản xuất gắn bảo vệ môi trường

Tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân được xem là nơi góp phần cung cấp nguồn điện chủ lực cho điện lưới quốc gia trong mọi điều kiện thời tiết, các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) chủ động nhiên liệu sản xuất đáp ứng nhu cầu điện tăng cao mùa khô kéo dài năm nay. Cuối tháng 4 vừa qua, NMNĐ Vĩnh Tân 4 và Liên danh VDKGS tổ chức ký kết hợp đồng mua than nhập khẩu phục vụ vận hành thương mại cho nhà máy từ tháng 6/2024 đến tháng 12/2025, với khối lượng than theo hợp đồng 3.200.000 tấn. Hợp đồng này là dấu mốc quan trọng nhà máy đảm bảo đủ nhiên liệu (than nhập khẩu), đáp ứng vận hành theo yêu cầu huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0). Lượng than giúp nhà máy duy trì mức tồn kho nhiên liệu theo chỉ đạo của EVN, không để thiếu than trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Than nhập khẩu có hàm lượng tro xỉ thấp. Lượng tro xỉ sau khi được thu gom chứa tại các si lô được vận chuyển bằng xe chuyên dụng ra bãi chứa để chôn lấp, tiêu thụ, đảm bảo các quy định về môi trường.

Đảm bảo vận hành cung cấp điện mùa khô kéo dài.

Trong khi đó, NMNĐ Vĩnh Tân 2 thuộc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân đảm bảo nguồn điện do Tổng Công ty Phát điện 3 huy động. Sản lượng điện 4 tháng đầu năm đạt trên 2,5 tỷ kWh, vượt 2,09% kế hoạch điều chỉnh Bộ Công Thương giao (2,475 tỷ kWh), đồng thời vượt 88,11% phương thức vận hành (1,34 tỷ kWh). Nhà máy sản xuất gắn bảo vệ môi trường trong nhiều năm nay. Công đoàn Điện lực Việt Nam vừa làm lễ phát động Tháng Công nhân 2024 tại Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân, hưởng ứng chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”, gắn với bảo vệ môi trường trong sản xuất điện.

Còn ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (Công ty BOT) chủ quản NMNĐ Vĩnh Tân 1 cho biết: “Nhà máy được Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch sản lượng điện sản xuất 7,35 tỷ kWh, trong đó cao điểm mùa khô từ tháng 4 đến tháng 7 là 2,9 tỷ kWh (bằng 39% sản lượng điện cả năm). Trong 4 tháng đầu năm, nhà máy sản xuất 3,2 tỷ kWh, đáp ứng 3,3% nhu cầu hệ thống điện quốc gia. Thời gian này, Công ty BOT nhận được hơn 1,7 triệu tấn than từ Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV); đơn vị tiếp tục đặt hàng TKV các tháng 5, 6, 7 hơn 1 triệu tấn than, tương đương 360.000 tấn/tháng, ổn định nhu cầu nhiên liệu phát điện mùa khô. Chất lượng than 100% phù hợp các quy định của hợp đồng mua bán than CSA với nhiệt trị trung bình 5.080 kCal/kg, độ ẩm là 7,49%, độ tro 37,98%. Quá trình vận chuyển, tiếp nhận than an toàn, ổn định vận hành sản xuất điện, đảm bảo môi trường.

Tại lễ phát động Tháng Công nhân năm 2024 do Công đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức tại Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân trung tuần tháng 5, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị lãnh đạo các đơn vị trong ngành cần đảm bảo các lợi ích thiết thực cho người lao động, đi cùng với chủ động nguồn nhiên liệu, đáp ứng vận hành các tổ máy, ổn định sản xuất, bảo vệ môi trường, đảm bảo nhu cầu điện tăng cao trong mùa khô kéo dài.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chu-dong-nhien-lieu-dap-ung-nhu-cau-dien-tang-cao-118817.html