Chính phủ thông qua đề nghị sớm đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 17.5.2024 thống nhất thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 252 Luật Đất đai như đề nghị của Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, ký tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị bổ sung nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 252 Luật Đất đai vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

Theo đề xuất của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024 thay vì ngày 1.1.2025 như trong Luật Đất đai đã quy định, mục đích nhằm xây dựng nghị quyết của Quốc hội để cho phép Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất đai.

Nhiều dự án về đất đai bị ngưng trệ do còn vướng mắc pháp lý

Nhiều dự án về đất đai bị ngưng trệ do còn vướng mắc pháp lý

Ngoài ra, việc sớm đưa luật vào cuộc sống sẽ hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, phát huy tiềm năng, sử dụng hiệu quả cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; tháo gỡ được những khó khăn trong tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, đóng góp lớn cho việc hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, ổn định về xã hội, lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đang được đề xuất có hiệu lực sớm hơn 6 tháng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá cao việc Quốc hội sẽ cho phép áp dụng sớm các luật trên.

Ngoài ra, theo ông Châu, đồng thời cần xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở, cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật liên quan có tính khả thi, sát với thực tiễn thì sẽ xử lý được hầu hết các “vướng mắc pháp lý” của 148 dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM.

“Những vướng mắc pháp lý” đang chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản. Giải quyết nút thắt này đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân, nhà đầu tư và vừa có tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản từ khoảng cuối năm 2024 trở đi”, ông Châu nói.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chinh-phu-thong-qua-de-nghi-som-dua-luat-dat-dai-2024-vao-cuoc-song-217367.html