Chiến thắng Điện Biên Phủ: Vẹn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ do Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Điện Biên tổ chức sáng 11-4 có chủ đề: 'Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa'. Đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các tướng lĩnh và cơ quan liên quan đã tham dự hội thảo.

Đại biểu, nhân chứng lịch sử và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tại hội thảo. Ảnh:N.Hà

Hội thảo có tổng cộng 104 bài tham luận của các vị tướng, nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử đã từng trực tiếp tham gia đánh thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm. Qua các bài phát biểu trực tiếp, các tham luận và ý kiến của nhân chứng lịch sử, hội thảo tiếp tục khẳng định ý nghĩa, bài học của Chiến thắng Điện Biên Phủ còn mãi vẹn nguyên giá trị với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…

Quyết định xoay chuyển vận mệnh

Khẳng định trong bài khai mạc hội thảo, đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân Việt Nam, nêu rõ: “Với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch, chúng ta có quyền khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, trở thành biểu tượng sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh và để lại những bài học quý báu cho cách mạng Việt Nam…”.

Sau 56 ngày, đêm gian khổ, trải qua 3 đợt chiến đấu, ngày 7-5-1954, quân và dân ta đã lập nên chiến thắng hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp trong nỗ lực gây dựng lại thuộc địa tại Đông Dương, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam.

Là nhân chứng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước, đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209 (Trung đoàn Sông Lô) thuộc Đại đoàn 312 anh hùng, kể lại điều ông nhớ nhất chính là quyết định lịch sử của Bộ Chỉ huy chiến dịch trong giờ phút cuối chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

“Khi nghe quyết định này, toàn đơn vị lúc đầu rất khó khăn, vì ai cũng mong được đánh, được giải quyết kết thúc cuộc kháng chiến. Nhiều cán bộ, chiến sĩ hỏi tôi về điều này, tôi đã khẳng định và chỉ trả lời trong 3 vấn đề: Quyết tâm tiêu diệt địch trong Chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ) là không thay đổi; tuyệt đối tin tưởng cấp trên; tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh nên phải kéo pháo ra. Quyết định sáng suốt của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng sự lãnh đạo thiên tài của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp anh em chúng tôi đánh địch và góp phần để chiến dịch toàn thắng sau 56 ngày, đêm” - đại tá Nguyễn Hữu Tài kể lại.

Đại tá Tài xúc động khi nhớ lại 25 đồng đội đã hy sinh; 97 đồng chí bị thương trong trận mở màn đánh cứ điểm Him Lam của Trung đoàn Sông Lô ngày ấy. Ông cùng đồng đội vẫn lạc quan dù hy sinh, gian khổ, dù khó khăn vất vả. Giữa lúc đó, các ông được nghe tiếng hát “là trang nam nhi, quyết chí xông pha; là trang nam nhi, quyết chí ra sa trường…”.

“Với tôi, đây là trận chiến đấu vừa nghe tiếng pháo dập, vừa nghe tiếng bộ đội reo hò khi thắng trận và nghe cả tiếng hát mừng vui, động viên trong đường hành quân ra chiến dịch” - đại tá Tài bộc bạch…

Về dự hội thảo vào thời điểm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đại tá Tài không khỏi xúc động khi đi viếng từng ngôi mộ, từng nơi đồng chí, đồng đội của ông mãi nằm lại tại các nghĩa trang trên mảnh đất Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày ấy. Sự hy sinh xương máu, sự gian lao vất vả sau khi mở toang cánh cửa Him Lam đi vào Điện Biên Phủ đã phủ đầu sự huênh hoang của quân xâm lược, tạo đà cho Điện Biên Phủ thắng lợi sau 56 ngày đêm…, làm nên mốc son chói vào chiều 7-5-1954 - mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc của thời đại Hồ Chí Minh…

Mãi vẹn nguyên giá trị

Theo đại tá Nguyễn Hữu Tài, thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử do nhiều nhân tố tạo thành, nhưng có 2 sự kiện có ý nghĩa quyết định. Một là, thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Hai là, cuộc vận động chống hữu khuynh tiêu cực, nâng cao quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch do Đảng ủy mặt trận và các cấp ủy Đảng lãnh đạo.

“Về bài học quyết tâm chiến đấu chống mọi biểu hiện của hữu khuynh tiêu cực đã khắc sâu vào tâm trí của tôi và nhiều cán bộ khác trong suốt cuộc đời chiến đấu của mình. Ngày nay, Đảng đã kêu gọi mọi cán bộ đảng viên phải chống mọi biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hăng hái cách mạng, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên nên bài học kinh nghiệm của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị; đó cũng là ý nghĩa thiết thực của hội thảo” - đại tá Nguyễn Hữu Tài nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, 70 năm đã trôi qua, tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng vẫn vẹn nguyên, đã, đang và mãi tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo, cho rằng cùng với những bài học giá trị như trên, Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là biểu tượng sinh động của sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam, sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc và quốc tế.

Đó là trong bối cảnh vô cùng khó khăn, chiến trường xa hậu phương, địch tăng cường đánh phá ác liệt vào các tuyến giao thông vận chuyển, nhưng với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, từ các vùng tự do, các căn cứ địa ở Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đến Tây Bắc, tất cả đều dồn sức người, sức của cho Điện Biên Phủ. Kẻ thù không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng, quân và dân ta có thể khắc phục được khó khăn to lớn về bảo đảm hậu cần, bởi chúng không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của toàn thể nhân dân đang khát khao độc lập, tự do. Sức mạnh đó có thể khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, đánh thắng kẻ thù, mà Chiến dịch Điện Biên Phủ thành công đã khẳng định điều này.

“Đặc biệt, ý nghĩa và tầm vóc thời đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ mãi vẹn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Đó còn là những bài học về đường lối kháng chiến, về bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân, về xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, về khoa học nghệ thuật quân sự, công tác tham mưu, hậu cần, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, giữa hậu phương và tiền tuyến…” - thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh…

Phát biểu bế mạc hội thảo, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng hội thảo đã bổ sung những tư liệu, sự kiện cùng những nhận định, đánh giá quan trọng, khẳng định và làm sâu sắc thêm tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, sau hội thảo, các cơ quan báo chí trung ương, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền rộng rãi trên báo chí, phát hành tới các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường, các viện nghiên cứu và đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước. Đây là tài liệu nghiên cứu, tuyên truyền, học tập có giá trị nên cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đưa các kết quả nghiên cứu và tiếp tục khẳng định giá trị vẹn nguyên với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Nguyệt Hà

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202404/chien-thang-dien-bien-phu-ven-nguyen-gia-tri-doi-voi-su-nghiep-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-21366af/