Chi phí giấy phép đắt đỏ cản trở giấc mơ trung tâm tài sản ảo của Hồng Kông

Hơn 7 triệu đô la Mỹ là chi phí cho các thủ tục xin cấp giấy phép sàn giao dịch tài sản ảo ở Hồng Kông nhưng các đương đơn vẫn chưa chắc lọt qua được vòng thẩm định. Chi phí đắt đỏ như vậy đang làm nản lòng những công ty kinh doanh tiền ảo nhỏ, và có thể là rào cản lớn đối với tham vọng trở thành trung tâm tài sản ảo toàn cầu của Hồng Kông.

Vụ bê bối gần đây của sàn giao dịch tiền ảo JPEX và chi phí xin cấp giấy phép đắt đỏ có thể khiến Hồng Kông khó thu hút các tay chơi lớn trong ngành để thực hiện tham vọng trở thành trung tâm tài sản ảo toàn cầu. Ảnh: forkast

Vụ bê bối gần đây của sàn giao dịch tiền ảo JPEX và chi phí xin cấp giấy phép đắt đỏ có thể khiến Hồng Kông khó thu hút các tay chơi lớn trong ngành để thực hiện tham vọng trở thành trung tâm tài sản ảo toàn cầu. Ảnh: forkast

Xây dựng lại danh tiếng trung tâm tài chính

Danh tiếng trung tâm tài chính của Hồng Kông sứt mẻ sau nhiều năm áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt để kiểm soát Covid-19, tình trạng bất ổn chính trị, khiến nền kinh tế chậm lại và nhân tài rời đi.

Vì vậy, chính quyền thành phố muốn cởi mở với giao dịch tiền ảo trong một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm khôi phục danh tiếng trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.

Cuối tháng 10 năm ngoái, Sam Bankman-Fried, người sáng lập sàn giao dịch tiền ảo lớn thứ 3 thế giới FTX, xuất hiện trên màn hình đặt ở sân khấu của Tuần lễ Công nghệ tài chính (FinTech Week) ở Hồng Kông. Khi được hỏi về kế hoạch của chính quyền Hồng Kông nhằm trở thành trung tâm tài sản ảo toàn cầu, Bankman-Fried tỏ ra không chắc chắn.

“Đó có thể là Hồng Kông, cũng có thể là Singapore, hoặc một nơi nào đó khác”, ông nói.

Một năm sau, tham vọng của Hồng Kông vẫn không chắc chắn. Bankman-Fried đang bị đưa ra xét xử ở Mỹ và đối mặt với hàng loạt tội danh bao gồm gian lận sau khi các công ty của ông phá sản.

Một số sàn giao dịch khác có quan hệ với Hồng Kông hoặc đã rời đi hoặc gặp khó khăn lớn về tài chính.

Gần đây, vụ bê bối của sàn giao dịch tiền ảo JPEX ở Hồng Kông đã gây rúng động thị trường. Sàn này đã thuê những người nổi tiếng để quảng bá các dịch vụ giao dịch tiền ảo dù chưa được cấp phép hoạt động. Hơn 2.500 người đã gửi đơn tố cáo JPEX lừa đảo với số tiền tổng cộng 1,5 tỉ đô la Mỹ (192 triệu đô la). Giới chức trách Hồng Kông đã bắt giữ ít nhất 28 người liên quan, bao gồm một người nổi tiếng.

Vụ bê bối của JPEX có lẽ là vụ gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử Hồng Kông. Ảnh hưởng từ vụ việc cùng với chi phí cao cho thủ tục cấp phép kinh doanh sàn giao dịch tiền ảo làm dấy lên hoài nghi về khả năng Hồng Kông thu hút các tay chơi lớn trong ngành.

Nỗ lực của Hồng Kông nhằm hợp pháp hóa ngành công nghiệp tiền ảo thông qua các quy định quản lý phản ánh những gì xảy ra trên toàn cầu, từ Singapore, Dubai đến châu Âu. Nhưng trong khi các thị trường khác cố gắng hạn chế rủi ro, thì sự hào hứng ở Hồng Kông đã lên đến đỉnh điểm, với các công ty tiền ảo tìm cách tận dụng động lực mới ở trung tâm tài chính bán tự trị của Trung Quốc.

“Gần hai năm trước, câu chuyện tương tự đã xảy ra ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) với các sàn giao dịch toàn cầu đổ xô đến thành phố này. Giờ đây, cũng chính họ đang hào hứng với kế hoạch phát triển thành trung tâm tiền ảo toàn cầu của Hồng Kông sau khi Dubai siết chặt giám sát hoạt động cấp phép”, Tung Li Lim, cố vấn chính sách cấp cao châu Á-Thái Bình Dương của Công ty phân tích blockchain Elliptic, nói.

Ông cho biết thêm bản chất toàn cầu tiền ảo có nghĩa là các công ty có thể dễ dàng rời bỏ các thị trường mà họ đang có văn phòng hoạt động.

Đây chính xác là những gì đã xảy ra vào năm 2021, khi các sàn giao dịch như FTX và Crypto.com chuyển cơ sở hoạt động của họ ra khỏi Hồng Kông vì lo ngại rằng giấy phép tự nguyện khi đó sẽ trở thành bắt buộc, gây tốn kém cho hoạt động kinh doanh.

OSL và HashKey, có trụ sở tại Hồng Kông, là hai sàn giao dịch duy nhất nhận được giấy phép tự nguyện (chỉ cho phép cung cấp dịch vụ cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp có vốn lớn).

Chi phí xin cấp giấy phép quá lớn

Quy định cấp phép bắt buộc mới của Hồng Kông, có hiệu lực vào tháng 6, cho phép các sàn cung cấp dịch vụ giao dịch các đồng tiền ảo có vốn hóa thị trường lớn như bitcoin và ether cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu cho thấy hoạt động giao dịch tiền ảo đang quay lại Hồng Kông.

Trong năm nay, Hồng Kông đã giảm một bậc trong chỉ số chấp nhận tiền ảo của Công ty phân tích blockchain Chainalysis, xuống vị trí thứ 47. Chainalysis cho biết, Hồng Kông vẫn là một thị trường rất năng động, nhưng tổng giá trị giao dịch tiền ảo 64 tỉ đô la từ tháng 7-2022 đến tháng 6-2023 ở thành phố này thấp hơn so với con số 70 tỉ đô la vào một năm trước đó.

Cho đến nay, các quy định mới để hợp pháp hóa giao dịch tiền ảo đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn chưa tạo ra làn sóng doanh nghiệp tiền ảo chuyển đến Hồng Kông. Trở ngại lớn nhất đối với họ là chi phí làm thủ tục xin cấp giấy phép bắt buộc.

Theo Robert Lui, đối tác và lãnh đạo tài sản kỹ thuật số Hồng Kông của hãng tư vấn Deloitte, toàn bộ quá trình xin cấp giấy phép nền tảng giao dịch tài sản ảo (VATP) có thể tiêu tốn ít nhất 60 triệu đô la Hồng Kông. Các công ty tiền ảo được yêu cầu thuê các chuyên gia để liên lạc với Ủy ban Chứng khoán và hợp đồng tương lai Hồng Kông (SFC). Những chuyên gia này hiện rất khó tuyển dụng vì có ít chuyên gia về các vấn đề liên quan đến tiền ảo. Liu cho biết, mức lương hàng tháng của họ thể dao động từ 200.000-300.000 đô la Hồng Kông (25.500-38.300 đô la Mỹ). Ngoài ra, các công ty tiền ảo cũng sẽ phải “đốt tiền” để thuê các nhân viên công nghệ thông tin, luật sư và dịch vụ chuyên nghiệp cần thiết như tư vấn.

Joseph Wang, nhà phân tích định lượng, cho biết quy trình này cực kỳ tốn kém đối với các công ty nhỏ

Dưới áp lực sau vụ bê bối của sàn JPEX, tháng trước, SFC đã công bố danh sách chính thức những công ty xin giấy phép VATP, trong đó chỉ có bốn cái tên gồm Hong Kong Virtual Asset Exchange, Hong Kong Digital Asset Exchange, Hong Kong BGE và Victory Fintech. Tất đều có trụ sở tại Hồng Kông.

Cho đến nay, OSL và HashKey là các sàn giao dịch được cấp phép duy nhất ở Hồng Kông sau khi họ nâng cấp lên giấy phép bắt buộc để có thể phục vụ nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Khi Hồng Kông chuẩn bị cho Tuần lễ FinTech thường niên, khai mạc vào ngày 30-10, thành phố này đang đi trên con đường mà những thị trường tiền ảo khác đã thử trước đây nhưng chưa thành công.

Trong 15 năm kể từ khi Sách trắng bitcoin được phát hành vào tháng 10-2008, một số thị trường đã tìm cách phổ cập và hợp pháp hóa tiền ảo trên quy mô lớn. El Salvador đã chấp nhận bitcoin là đồng tiền hợp pháp. Thành phố Miami (Mỹ) có tham vọng trở thành thủ đô tiền ảo bằng cách tổ chức hội nghị bitcoin hàng năm và phát hành tiền ảo có tên gọi MiamiCoin. Đảo quốc Malta ở châu Âu từng được mệnh danh là “đảo blockchain” nhờ ban hành các quy định thân thiện với tiền ảo từ rất sớm.

Tuy nhiên, tất cả thị trường này đều suy sụp trong chu kỳ bùng nổ và sụp đổ của thị trường tiền ảo, tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng và “mùa đông ảo” kéo dài bắt đầu vào giữa năm 2022. Ngay cả Singapore, nơi có nhiều công ty tiền ảo ở Hồng Kông chuyển đến, cũng đang thắt chặt các quy định đối với ngành công nghiệp tiền ảo.

Theo SCMP

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chi-phi-giay-phep-dat-do-can-tro-giac-mo-trung-tam-tai-san-ao-cua-hong-kong/