Cầu Vĩnh Tuy 2 ngập úng: 'Nhiều khả năng là lỗi thiết kế'

Chuyên gia nhận định, nguyên nhân của việc thường xuyên xảy ra ngập úng mỗi khi mưa lớn ở cầu Vĩnh Tuy 2 nhiều khả năng do lỗi thiết kế

Gây ảnh hưởng nghiêm trọng lâu dài

Liên quan đến việc cầu Vĩnh Tuy liên tục bị ngập nước sau khi khánh thành, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông khẳng định, việc thoát nước cho cầu là vô cùng quan trọng, đảm bảo an toàn cho công trình và môi trường xung quanh.

Thường xuyên xảy ra ngập úng trên cầu Vĩnh Tuy

Thường xuyên xảy ra ngập úng trên cầu Vĩnh Tuy

Theo quy định chính về thoát nước khi thiết kế cầu, hệ thống thoát nước cầu phải có hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng biệt, đáp ứng được lưu lượng nước tối đa có thể xảy ra. Phải được thiết kế hợp lý, đảm bảo thoát nước nhanh chóng và hiệu quả, tránh gây ứ đọng nước trên mặt cầu và xung quanh.

Cần bố trí các rãnh thoát nước dọc theo chiều dài cầu, có kích thước phù hợp với lưu lượng nước. Nên sử dụng các biện pháp chống xói mòn cho các vị trí thoát nước, đặc biệt là ở những khu vực có địa hình dốc hoặc dòng chảy mạnh.

Nước thải từ cầu phải được thu gom và xử lý theo quy định về bảo vệ môi trường. Cần bố trí các bể thu gom nước thải tại các vị trí thích hợp, có dung tích đủ lớn để chứa lượng nước thải tối đa. Nước thải sau khi thu gom phải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.

“Việc thiết kế hệ thống thoát nước cần phải tính đến các yếu tố như địa hình, khí hậu, lượng mưa, lưu lượng xe cộ,…Cần kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống thoát nước định kỳ để đảm bảo hoạt động hiệu quả. Việc thi công hệ thống thoát nước cần được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo chất lượng công trình. Công trình cầu bị ngập nước gây ra nhiều bất lợi nghiêm trọng, có thể biểu hiện rõ ra bên ngoài, cũng có thể ẩn sâu bên trong, gây bất lợi ngay hoặc lâu dài sau này”, TS. Nguyễn Hữu Đức lưu ý.

Cùng với đó, nước ngập có thể làm giảm độ bám của mặt đường, khiến xe dễ bị trượt bánh, mất lái, dẫn đến tai nạn giao thông. Nước ngập có thể khiến giao thông bị tắc nghẽn, ảnh hưởng đến việc di chuyển của người dân và hoạt động kinh tế. Nước ngập ở Cầu Vĩnh Tuy mới còn chảy xuống đường thấp và gây ùn tắc giao thông.

TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông

TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông

Làm hỏng động cơ, hệ thống điện và các bộ phận khác của phương tiện. Có thể làm bào mòn các cấu kiện của cầu, dẫn đến nguy cơ sập đổ cầu. Nước ngập có thể làm cho mặt cầu bị nứt nẻ, bong tróc, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Có thể làm xói mòn nền móng cầu, dẫn đến nguy cơ sạt lở cầu.

Nước ngập có thể cuốn theo rác thải, xác động vật chết và các chất độc hại, gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh. Có thể tạo môi trường thuận lợi cho muỗi và các loài côn trùng sinh sản, gây lây lan các dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết.

Gây thiệt hại về tài sản, hoa màu, vật nuôi của người dân. Có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch,..., gây thiệt hại về kinh tế cho địa phương và quốc gia.

Ngoài ra, ngập nước còn có thể gây ra những bất lợi về mặt xã hội như ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của người dân, gây chia cắt cộng đồng,…Do đó, việc thiết kế và thi công cầu cần đảm bảo khả năng thoát nước tốt để hạn chế tối đa những bất lợi do ngập nước gây ra.

Nhiều khả năng là lỗi thiết kế?

TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng: “Các hướng dẫn thiết kế mặt cầu đều chỉ rõ nhưng gì cần làm để mặt cầu không bị ngập. So sánh thực tế Cầu Vĩnh Tuy mới và cũ cho thấy nhiều khả năng là lỗi thiết kế ở cầu mới. Khả năng do bụi, rác gây ra cũng có, nhưng điều này dễ xử lý, chỉ cần tăng cường công tác dọn dẹp. Nhưng nhiều khả năng là hệ thống thoát nước (lỗ thoát, ống dẫn…) không có đủ năng lực thoát. Nếu như vậy, cần nghiên cứu giải pháp nâng cao khả năng thoát nước, tuy nhiên, rất cần xem xét kỹ để khỏi ảnh hưởng đến kết cầu bên trong của dầm cầu”.

Ngập úng trên cầu Vĩnh Tuy vào chều 15/5/2024

Ngập úng trên cầu Vĩnh Tuy vào chều 15/5/2024

Mới đây, Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản số 2795/SGTVT-KHTC yêu cầu các đơn vị kiểm tra xác định nguyên nhân và, xử lý kịp thời các tồn tại liên quan đến việc thoát nước mặt cầu Vĩnh Tuy 2 thuộc dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2.

Theo đó, chiều 15/5, qua theo dõi kiểm tra thực tế hiện trạng, Sở nhận thấy xuất hiện tình trạng mặt cầu Vĩnh Tuy 2, thuộc dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố làm chủ đầu tư và đang triển khai các thủ tục bàn giao tài sản công sau khi thi công hoàn thành) bị ứ đọng, ngập nước trên mặt cầu, dẫn đến khó khăn cho việc lưu thông các phương tiện qua cầu. Nội dung này cũng đã được các cơ quan thông tấn báo chí và người dân phản ánh.

Để xử lý kịp thời, không để tình trạng tương tự xảy ra (đặc biệt vào mùa mưa sắp tới), Sở GTVT đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố khẩn trương chủ trì, phối hợp với Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải) và các đơn vị liên quan, tổ chức kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục ngay.

Việc khắc phục hoàn thành xong trước ngày 20/5/2024 và có văn bản báo cáo kết quả xử lý về Sở để theo dõi chỉ đạo, đồng thời thông tin kết quả xử lý đến các cơ quan thông tấn báo chí, người dân được biết.

Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Công ty CP Công trình giao thông Hà Nội cho biết, dự án đang được Ban Quản lý dự án Đầu tư công trình Giao thông Hà Nội làm thủ tục bàn giao cho Sở GTVT Hà Nội quản lý.

Theo Phó giám đốc Công ty CP Công trình giao thông Hà Nội, do trời mưa lớn, rác trên cầu bịt kín các lỗ thoát nước, không thoát được nước nên gây ngập. Nếu được giao quản lý, hàng ngày sẽ có công nhân đi thu gom rác thải, thông các hố thoát nước như đơn nguyên cầu Vĩnh Tuy 1. Cầu Vĩnh Tuy 1 và 2, về thiết kế giống nhau, nhưng Cầu Vĩnh Tuy 1 được duy tu, dọn vệ sinh thường xuyên, nên không xảy ra tình trạng úng ngập như bên đơn nguyên mới đưa vào khai thác.

Trước đó, vào khoảng 15h30 chiều 15/5, tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện mưa lớn kéo dài khiến 1 số tuyến đường, phố xuất hiện tình trạng ngập nước. Đáng chú ý, cầu Vĩnh Tuy 2 tuy mới đưa vào sử dụng lại xảy ra tình trạng ngập nước.

Theo đại diện Đội Cảnh sát giao thông Đường bộ số 5, cầu Vĩnh Tuy 2 đọng nước tại một số khu vực khiến giao thông qua khu vực này ùn ứ kéo dài, đặc biệt là hướng từ trung tâm thành phố đi Long Biên.

Trong khi đó, nhiều tài xế lưu thông trên cầu Vĩnh Tuy 2 vào thời điểm mưa lớn cho biết, có đoạn ngập đến gần nửa bánh xe ô tô, nặng nhất là giữa cầu ở làn ô tô. Tình trạng ùn tắc kéo dài đến hơn 18h.

Từ 30/8/2023, TP Hà Nội tổ chức khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 dài 3,5km, rộng 19,25m với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, sau 2,5 năm thi công. Điểm đầu cầu giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên). Cầu rộng hơn 19m, 4 làn xe.

Sau khi hoàn thành giai đoạn hai, cầu Vĩnh Tuy (gồm Vĩnh Tuy 1 và 2) có mặt cắt ngang 40m với 8 làn ô tô. Cầu Vĩnh Tuy 2 đưa vào hoạt động đã giảm tải cho cầu Vĩnh Tuy 1 vốn thường xuyên ùn tắc, tăng cường lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với phía Bắc và Đông Bắc thành phố.

Đáng chú ý, từ khi khánh thành đến nay, cầu Vĩnh Tuy 2 thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng mối khi mưa lớn gây ra nhiều khó khăn cho các phương tiện di chuyển qua.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cau-vinh-tuy-2-ngap-ung-nhieu-kha-nang-la-loi-thiet-ke-post1095927.vov