Cát về công trường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, nhà thầu tăng tốc đẩy tiến độ

Sau gần một năm khởi công, công trường thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đã có cát đắp nền.

Niềm vui của nhà thầu

Ông Đỗ Minh Châu, Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C (nhà thầu thi công) cho biết, hai mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao cho công ty trực tiếp khai thác phục vụ thi công dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn qua địa bàn tỉnh này bắt đầu khai thác.

Có mặt trên công trường khai thác cát phục vụ thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, phóng viên Báo Giao thông ghi nhận không khí làm việc của công nhân rất khẩn trương.

Ông Đỗ Minh Châu bày tỏ sự vui mừng khôn xiết sau nhiều tháng chờ đợi thì ngày 16/5, cát đã được cấp về đến công trường.

Mỏ cát này được cấp theo cơ chế đặc thù để nhà thầu trực tiếp khai thác phục vụ thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

"Trong quá trình thực hiện, các đơn vị liên quan của tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ rất nhiệt thành. Và đây là điều kiện để công ty có thể khai thác được mỏ cát này trong thời gian sớm nhất", ông Châu nói.

Đồng Tháp bố trí hai mỏ cát theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Đồng Tháp bố trí hai mỏ cát theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

"Trên mỗi xáng cạp, công ty bố trí từ 4-5 công nhân và từ 20-30 sà lan để có thể vận hành liên tục nhằm đảm bảo số lượng cát khai thác mỗi ngày được thông suốt trong suốt quá trình làm việc", ông Châu thông tin.

Ông Nguyễn Doãn Hưng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An (nhà thầu thi công) thông tin, gói thầu do công ty phụ trách thi công đã thực hiện xong việc đào đất hữu cơ, chỉ chờ cát về công trường là sẽ tăng tốc thi công.

"Khi cát đưa về công trường, công ty sẽ tăng cường thêm nhân lực, vật lực để tăng tốc thi công. Đồng thời, triển khai nhiều mũi thi công để công nhân thi công đồng loạt trên công trường", ông Hưng nhấn mạnh.

Điều chỉnh phương án kỹ thuật nhằm đảm bảo tiến độ

Cũng theo ông Hưng, do cát được cấp về công trường trễ hơn so với dự kiến, trong khi đó, thời gian gia tải nền đất yếu có đoạn mất khoảng 18-20 tháng. Do vậy, để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, công ty cũng sẽ tính toán rút ngắn thời gian gia tải nền đất yếu nhưng vẫn đảm bảo yếu tố kỹ thuật theo quy định.

"Khó ở chỗ thời gian thi công không lâu, nhưng gia tải nền đất yếu lại mất rất nhiều thời gian. Chính vì vậy, công ty cũng đã tính toán lại và sẽ trình phương án rút ngắn thời gian gia tải nhằm đảm bảo dự án đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra", ông Hưng nói.

Tại gói thầu do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C phụ trách thi công, ông Châu thông tin, khoảng 5.000m3 cát về công trường mỗi ngày. Số lượng này cơ bản đáp ứng được nhu cầu thi công và phân bổ cho các gói thầu khác trong cùng dự án.

Khi có cát về công trường, nhà thầu sẽ tính toán lại phương án kỹ thuật nhằm đảm bảo tiến độ thi công.

Khi có cát về công trường, nhà thầu sẽ tính toán lại phương án kỹ thuật nhằm đảm bảo tiến độ thi công.

Để có thể rút ngắn thời gian gia tải, công ty sẽ có sự điều chỉnh nguồn lực, nhân lực, vật lực, thiết bị và tài chính để bù lại tiến độ.

"Khi cát về công trường, chúng tôi sẽ đưa vào những vị trí trọng điểm để xử lý nền đất yếu. Đồng thời, thực hiện song song việc gia tải với cấp bấc thấm. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện phương pháp là khóa nước cưỡng bức để nước thoát nhanh hơn và rút ngắn được thời gian gia tải", ông Châu nói.

Ông Lê Nguyễn Phú Trường, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp (chủ đầu tư) cho biết, dự án thành phần 1 thuộc cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt dự án đầu tư và tổ chức khởi công ngày 25/6/2023.

Đến nay, khối lượng thực hiện toàn dự án được 25%, đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Kết quả này có được xuất phát từ sự nỗ lực rất lớn của nhà thầu trong việc tăng cường thi công các cây cầu có trong dự án để bù tiến độ về phần đường.

"Về việc điều chỉnh phương án kỹ thuật để rút ngắn thời gian thi công sẽ phát sinh thêm chi phí thực hiện. Do vậy, chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia thi công dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp sẽ bàn bạc kỹ và đưa ra kế hoạch thi công cho phù hợp", ông Trường thông tin.

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Dự án chia làm 2 thành phần, dự án thành phần 1 có chiều dài 16km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng.
Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô bốn làn xe, với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.

Hương Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cat-ve-cong-truong-cao-toc-cao-lanh-an-huu-nha-thau-tang-toc-day-tien-do-192240517140205626.htm