'Cát tặc' vẫn lộng hành ở hồ Dầu Tiếng

Lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo thành lập đoàn công tác ra quân tổng kiểm tra các phương tiện khai thác cát, bãi tập kết cát… trong hồ Dầu Tiếng

Sau khi Báo Người Lao Động khởi đăng loạt bài điều tra "Đoàn tàu không số hiệu trên sông Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng", mới đây người dân sinh sống gần hồ Dầu Tiếng (giáp ranh giữa tỉnh Tây Ninh và Bình Dương) tiếp tục phản ánh về tình trạng nhiều tàu sắt có dấu hiệu hoán cải công năng, không đăng kiểm… vẫn khai thác cát rầm rộ trên hồ Dầu Tiếng.

Ngang nhiên khai thác

Đúng như thông tin phản ánh của người dân, nhiều ngày có mặt tại hồ Dầu Tiếng, chúng tôi chứng kiến một số tàu sắt đang khai thác cát và di chuyển ở khu vực hồ giáp ranh giữa tỉnh Tây Ninh và Bình Dương.

Sáng 25-4, chúng tôi thấy 1 tàu sắt đã gỉ sét, không gắn số hiệu, vừa bơm cát xong đang di chuyển trên hồ Dầu Tiếng rồi về cập bến tại một bãi cát khổng lồ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Trong các ngày 10 đến 15-5, chúng tôi phát hiện nhiều tàu sắt hút cát trên hồ Dầu Tiếng. Điều đáng nói là một số tàu hút cát có gắn số hiệu nhưng bị mờ, số khác rõ số hiệu nhưng khi xác minh thì không có trong hồ sơ thông tin đăng kiểm.

"Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài điều tra thì tôi không thấy cảnh hút cát lậu vào ban đêm nhưng ban ngày vẫn còn cả đoàn tàu không có số hiệu khai thác cát" - ông H. (ngụ tỉnh Tây Ninh) khẳng định.

Hằng ngày chạy ghe máy trên hồ Dầu Tiếng, ông H. chứng kiến nhiều tàu sắt đã hoán cải công năng, gỉ sét, không bảo đảm an toàn nhưng vẫn ngang nhiên khai thác cát. "Sau khi hút đầy cát, con tàu di chuyển về bãi cát ở khu vực tỉnh Tây Ninh. Người dân và báo chí đã phản ánh nhiều về tình trạng cả đoàn tàu hoạt động không có giấy đăng kiểm, bãi tập kết cát có nhiều sai phạm… nhưng đến nay địa phương vẫn chưa xử lý dứt điểm. Tôi mong thời gian tới tỉnh Tây Ninh sẽ ra quân làm quyết liệt" - ông H. nói.

Tàu hoán cải, không đăng kiểm

Từng có thời gian khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng, ông C. (quê Hải Dương) khẳng định hầu hết các tàu sắt hoạt động khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng đều được hoán cải công năng và không đăng kiểm phương tiện theo quy định. Theo ông C., sở dĩ ông nắm được thông tin này là vì trước đó đã có người giới thiệu bán tàu cho ông và đối tác. Ông C. cho rằng nếu rà soát thì các doanh nghiệp đều vi phạm về vị trí khai thác, trữ lượng khai thác khoáng sản và bãi tập kết...

"Việc này đã được người dân và báo chí phản ánh rất nhiều. Riêng tỉnh Tây Ninh cũng từng kiểm tra và bắt giữ một số tàu sắt khai thác cát trái phép trên hồ Dầu Tiếng rồi bàn giao cho tỉnh Bình Dương xử lý. Nói thật, nếu làm quyết liệt thì hầu hết các phương tiện khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng đều vi phạm" - ông C. nói.

Con tàu không số hiệu, không đăng kiểm đang khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng giáp ranh địa bàn tỉnh Bình Dương và Tây Ninh

Con tàu không số hiệu, không đăng kiểm đang khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng giáp ranh địa bàn tỉnh Bình Dương và Tây Ninh

Thành lập đoàn kiểm tra

Sau khi Báo Người Lao Động và người dân phản ánh, ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, đã giao UBND tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh… thành lập đoàn kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản, bãi tập kết cát trong hồ Dầu Tiếng.

Cụ thể, đoàn kiểm tra phải có kế hoạch kiểm tra, kiểm kê những phương tiện, bến bãi các đơn vị hoạt động khai thác, kinh doanh cát trong hồ Dầu Tiếng. Đặc biệt là phải kiểm tra làm rõ hồ sơ đăng ký, đăng kiểm tàu, thời hạn đăng kiểm; công suất từng phương tiện hoạt động khai thác, giấy chứng nhận người điều khiển phương tiện khai thác; giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, thời hạn bến thủy nội địa (kể cả các bến bãi chưa được cấp phép), hồ lắng.

Trong đó, tổ chức kiểm tra 11 tổ chức khai thác khoáng sản (với 13 giấy phép khai thác khoáng sản), các bến bãi trong hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ngoài ra, phải kiểm tra trong hồ Dầu Tiếng hiện tại có bao nhiêu phương tiện đang hoạt động.

"Đoàn kiểm tra có trách nhiệm làm việc công khai, minh bạch, mục đích nắm được tổng số phương tiện, bến bãi khai thác, kinh doanh cát trong hồ Dầu Tiếng. Từ đó đưa ra những giải pháp xử lý phù hợp đúng quy định pháp luật" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo.

Bên cạnh đó, đoàn công tác phối hợp tỉnh Bình Phước và Bình Dương kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát trên sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng, đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh.

Phối hợp tỉnh bạn xử lý vi phạm

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh, cho biết trong phạm vi hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh có 13 giấy phép khai thác khoáng sản cát xây dựng còn hiệu lực; trong đó có 10 giấy phép hoạt động, 3 giấy phép chưa đi vào hoạt động, trữ lượng khai thác cho phép là 7.456.917 m3, diện tích cấp phép là 832,08 ha... Tổng phương tiện hoạt động trên hồ Dầu Tiếng do tỉnh Tây Ninh quản lý là 71 chiếc.

Thời gian qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện quy chế phối hợp với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước... xử lý những tàu hoạt động khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng. Năm 2023, Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh đã tổ chức kiểm tra đột xuất phát hiện 1 tàu sắt khai thác cát trái phép giáp ranh giữa tỉnh Tây Ninh và Bình Dương. Do xác định vị trí thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương nên Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh đã bàn giao cho cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương xử lý theo thẩm quyền.

Bài và ảnh: SỸ HƯNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cat-tac-van-long-hanh-o-ho-dau-tieng-196240520191145252.htm