Cấp thiết tìm giải pháp bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long trước biến đổi khí hậu

Ngày 15-5, tại TP Cần Thơ, Báo Sài gòn Giải phóng phối hợp với Ủy ban nhân dân TP Cần Thơ và Viện Nghiên cứu-Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo với chủ đề: 'Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long'.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; đại diện các bộ, ngành, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học đến từ các viện-trường, doanh nghiệp...

 Các đại biểu thảo luận trước khi diễn ra Hội thảo với chủ đề: "Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long".

Các đại biểu thảo luận trước khi diễn ra Hội thảo với chủ đề: "Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long".

Tham luận tại hội thảo, các chuyên gia đều nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tác động cực đoan của biến đổi khí hậu. Hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm suy giảm, cộng với việc nhiều công trình thủy điện hình thành ở thượng nguồn sông Mê Kông… khiến cho miền Tây đang phải đối mặt với sụt lún, sạt lở đất; thiếu nước sản xuất, sinh hoạt… rất nghiêm trọng.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.

Thống kê cho thấy, cả vùng hiện có hơn 800 khu vực sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.000km; trung bình mỗi năm mất từ 300 đến 500ha đất do lở bờ sông, bờ biển. Tính riêng tỉnh Cà Mau, từ năm 2011 đến nay đã có hơn 350km bờ biển bị sạt lở, làm mất hơn 5.300ha đất sản xuất, đất ở và rừng ngập mặn.

Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước sinh hoạt; gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng ngàn ha rau màu bị thiếu nước tưới, chết khô; hàng trăm ha rừng bị cháy rụi…

PGS, TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa Tài nguyên và Môi trường Trường Đại học Cần Thơ trình bày tham luận tại hội thảo.

PGS, TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa Tài nguyên và Môi trường Trường Đại học Cần Thơ trình bày tham luận tại hội thảo.

Chia sẻ các giải pháp cấp thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu, PGS, TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học và Thủy lợi miền Nam khuyến nghị việc phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế-xã hội. Bên cạnh các giải pháp phi công trình (công tác điều hành), thì giải pháp phi công trình rất quan trọng.

Tin, ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/cap-thiet-tim-giai-phap-bao-ve-dong-bang-song-cuu-long-truoc-bien-doi-khi-hau-776960