Cấp bách phòng cháy, nổ tại các cơ sở sản xuất trong khu dân cư

Sau vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu), vấn đề an toàn phòng, chống cháy, nổ tại các cơ sở sản xuất trong khu dân cư được đặc biệt quan tâm. Nhất là tại các cơ sở có nhiều hàng hóa, vật liệu dễ cháy như: gỗ, giấy, vải, nhựa hoặc sử dụng nhiều loại máy móc hoạt động bằng nhiệt, điện với công suất lớn…

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kiểm tra an toàn phòng cháy tại một nhà máy thuộc Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom). Ảnh:Đ.Tùng

Nhiều vụ cháy, nổ xảy ra

Sáng 1-5, lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh đột ngột phát nổ làm 6 người chết, 5 người bị thương.

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, trong quá trình sử dụng, công ty phát hiện lò hơi bị trục trặc về mặt kỹ thuật và đã liên hệ với đơn vị cung cấp thiết bị đến kiểm tra, sửa chữa vào ngày 30-4. Đến sáng 1-5, cán bộ kỹ thuật của công ty vào kiểm tra, vận hành thì nồi hơi phát nổ. Khu vực bên ngoài công ty, nhiều nhà dân cũng bị hư hỏng nặng như: sập mái, nứt tường, hư hỏng tài sản, máy móc, đồ đạc…

Cuối tháng 2-2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã khuyến cáo đảm bảo PCCC tại các cơ sở, hộ dân. Cụ thể, không nên sử dụng dây dẫn điện có tiết diện nhỏ hơn tiết diện yêu cầu của thiết bị điện tiêu thụ điện, dây có cách điện không đảm bảo; câu mắc đấu nối dây điện tùy tiện; để vật dụng, vật tư, hàng hóa trực tiếp dưới, gần thiết bị tiêu thụ điện; vi phạm khoảng cách tối thiểu 0,5m; dựng lều, hàng quán dưới đường điện, hành lang an toàn điện.

Vụ nổ lò hơi trên chỉ là một trong số những sự cố cháy, nổ ở các cơ sở sản xuất, nhà xưởng trong khu dân cư từ đầu năm 2024 đến nay. Trước đó, chiều 18-4, một xưởng sản xuất giấy tại phường Phước Tân (thành phố Biên Hòa) xảy ra cháy với diện tích khoảng 200m2 làm sập một phần mái tôn nhà xưởng, hư hỏng nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu bên trong.

Vào sáng 9-2, nhà xưởng của Công ty TNHH Sản xuất thương mại T.T.P. (ở phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa) xảy ra cháy trên diện tích 150m2, chủ yếu là củi, dăm bào, mùn cưa. Vụ cháy dù không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi nhiều máy móc, hàng hóa thành phẩm.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có hơn 43,4 ngàn cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Trong đó, hơn 37,2 ngàn cơ sở do UBND cấp xã quản lý và hơn 6,2 ngàn cơ sở do lực lượng công an quản lý.

Đáng chú ý, trong số này có hàng ngàn cơ sở là nhà xưởng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có quy mô lớn hoặc nằm trong khu dân cư. Không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa, nguyên vật liệu có nguy cơ cháy cao như: gỗ, giấy, vải, nhựa… Bên trong lại có nhiều dây chuyền, máy móc, thiết bị dùng điện với công suất lớn, hoạt động cường độ cao. Do đó, nếu xảy ra cháy, nổ có thể đe dọa những hộ dân liền kề.

Đại diện Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh đánh giá, vào mùa nắng nóng, điều kiện thời tiết oi bức, kết hợp nền nhiệt cao khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của doanh nghiệp tăng nhanh. Đặc biệt, thời điểm hiện tại, hệ thống điều hòa nhiệt độ tại nhiều nhà xưởng hoạt động với công suất lớn nhưng trong tình trạng hệ thống điện hoặc thiết bị điện xuống cấp. Đây cũng là một phần nguyên nhân phát sinh cháy, nổ.

Cùng với đó, qua quá trình kiểm tra thực tế các cơ sở sản xuất, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn PCCC. Chẳng hạn như một số cơ sở, doanh nghiệp ít vệ sinh công nghiệp khiến mạt cưa, sợi bông vải tồn đọng nhiều trong xưởng, nếu chẳng may có tia lửa điện bén vào dễ phát sinh cháy lan, cháy lớn.

Một nguyên nhân khác có thể gây cháy, nổ tại các nhà xưởng, cơ sở sản xuất trong khu dân cư chính là việc cháy lan do người dân đốt cỏ, rác thiếu kiểm soát. Đây cũng là nguyên nhân gây ra vụ cháy vào chiều 18-3 tại Công ty CP Kim khí Long An (phường An Hòa, thành phố Biên Hòa) với diện tích đám cháy lên đến 350m2 làm sập nhiều mái tôn, hư hỏng hàng hóa bên trong. Cơ quan chức năng bước đầu xác định do ngọn lửa từ đống rác, cỏ khô tại bãi đất trống gần đó lan vào nhà xưởng gây cháy.

Xử phạt nghiêm vi phạm PCCC

Trước thực tế trên, để kiềm chế, ngăn chặn cháy, nổ và hậu quả do cháy, nổ tại các doanh nghiệp, lực lượng cảnh sát PCCC toàn tỉnh đã tiếp tục tập trung vào kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn PCCC tại các cơ sở sản xuất, nhất là trong khu dân cư.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kiểm tra an toàn phòng cháy tại một nhà máy thuộc Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom). Ảnh: ĐĂNG TÙNG

Cụ thể, trong năm 2023, lực lượng cảnh sát PCCC toàn tỉnh đã kiểm tra an toàn PCCC gần 16,5 ngàn lượt đối với các cơ sở. Qua đó xử phạt vi phạm hành chính 809 trường hợp với tổng số tiền hơn 6,4 tỷ đồng; đặc biệt là xử phạt 8 cơ sở để xảy ra cháy với tổng số tiền hơn 70 triệu đồng.

Một số hành vi vi phạm chủ yếu như: không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC định kỳ; bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông và các vật dụng khác cản trở lối thoát nạn; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện PCCC cho đội PCCC cơ sở hoặc chuyên ngành theo quy định…

Cùng với việc xử phạt, hiện lực lượng cảnh sát PCCC đang đổi mới hình thức tuyên truyền kiến thức và tập huấn PCCC cho mọi tầng lớp nhân dân nói chung và công nhân các cơ sở sản xuất nói riêng. Cụ thể, ngoài các buổi tập huấn trực tiếp, lực lượng cảnh sát PCCC đã phát hành các tờ rơi có mã QR để người dân quét, đọc các cẩm nang hướng dẫn phòng cháy, thoát hiểm trực tuyến. Việc này được Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) triển khai trên toàn quốc từ đầu năm 2024.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh cũng đề nghị các cơ sở sản xuất cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị sử dụng điện, sử dụng nhiệt (trong đó có lò hơi). Trong quá trình kiểm tra, vận hành phải đảm bảo các quy tắc an toàn, tuân thủ quy trình vận hành và trang bị đầy đủ bảo hộ lao động.

Trong trường hợp xảy ra cháy, nổ tại nhà kho, cơ sở sản xuất, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo người dân phải nhanh chóng di chuyển ra ngoài thông qua các lối ra, theo hệ thống đèn chỉ dẫn thoát nạn của cơ sở. Trong quá trình di chuyển thoát nạn, cố gắng thông báo tin cháy cho mọi người xung quanh và hướng dẫn họ thoát nạn theo lối thoát nạn gần nhất. Đồng thời, quan sát các khu vực có nguy cơ sập đổ cấu kiện xây dựng để tránh và tìm được lối thoát nạn khác. Khi đã thoát ra ngoài, người dân cần nhanh chóng di chuyển đến khu vực an toàn, cách xa đám cháy và gọi điện thông báo cho lực lượng PCCC theo số 114.

Chủ tịch UBND phường Tân Biên (thành phố Biên Hòa) NGUYỄN QUỐC QUÂN:

Lưu ý phòng cháy các cơ sở làng nghề gỗ trong mùa khô

Hiện phường Tân Biên có nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất đồ gỗ truyền thống trong các khu dân cư. Những cơ sở này đã hoạt động từ hàng chục năm nay. Trong mùa khô, nguy cơ cháy tại các cơ sở này rất cao vì thời tiết khô nóng, các mùn cưa, vật liệu gỗ dễ bắt lửa. Do đó, trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã thường xuyên phối hợp cùng cơ quan chức năng kiểm tra PCCC và nhắc nhở việc đảm bảo an toàn phòng cháy, an toàn lao động cho công nhân tại các cơ sở.

Anh NGUYỄN SONG TOÀN, công nhân ở Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom):

Cần đảm bảo nghiêm các quy tắc an toàn lao động

Hầu như các nhà máy, phân xưởng hiện nay đều sử dụng nhiều máy móc, thiết bị điện có công suất hoạt động lớn. Sự cố nổ lò hơi ở một công ty tại huyện Vĩnh Cửu vào sáng 1-5 đã khiến chúng tôi dấy lên nỗi lo về nguy cơ mất an toàn lao động, mất an toàn cháy, nổ. Vì vậy, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra an toàn cháy, nổ tại các cơ sở sản xuất; đồng thời, các doanh nghiệp cần chú trọng hơn đến việc đảm an toàn lao động, phòng cháy cho các kho, xưởng nhằm tránh tai nạn tương tự.

Minh Thành (ghi)

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202405/cap-bach-phong-chay-no-tai-cac-co-so-san-xuat-trong-khu-dan-cu-add677d/