Cánh thư in dấu Trường Sa

'Em và con thương nhớ! Hôm nay là ngày thứ 5 trong hành trình Trường Sa thân yêu, anh và Đoàn công tác số 7 đã đặt chân lên đảo Sinh Tồn, mọi người đều khỏe, em yên tâm. Dù đã nhiều lần đến các đảo, điểm đảo của Trường Sa, nhưng với đảo Sinh Tồn thì đây là lần đầu tiên anh đến, đảo đẹp lắm em à...'.

Lá thư in dấu Trường Sa có ngày gửi đi từ xã đảo Sinh Tồn là 28-4-2019, nhưng phải đến ngày 31-5-2019, chị Lan - vợ Văn Đức, thành viên Đoàn công tác số 7, mới nhận được. Lúc đầu, chị Lan ngỡ ngàng khi thấy lá thư ký tên người gửi là anh Đức, chồng mình nhưng lại in dấu Trường Sa.

Giữ kín lá thư trong quyển sổ tay, lâu lâu chị Lan mang ra đọc lại từng dòng chữ nắn nót trên trang giấy trắng cho con gái nghe, nhắc lại dấu ấn, kỷ niệm của chồng trong chuyến đi Trường Sa với bao tình cảm thân thương của hậu phương với những người lính canh giữ đảo xa.

Một cánh thư khác đóng dấu ngày gửi 12-4-2016, được anh Cường, Đoàn công tác số 4 TPHCM, gửi đi từ đảo Trường Sa Lớn cho con gái 12 tuổi. Đầu thư, anh Cường viết: “Trường Sa, ngày 12-4-2016. Chíp yêu! Ba biết con sẽ bất ngờ lắm khi nhận được thư này - cánh thư có đóng dấu Bưu điện Trường Sa phải vượt muôn trùng sóng biển quê hương mình mới đến tay người nhận là Nguyễn Thụy Đan, lớp 5/5 Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1, TPHCM.

Có thể thư sẽ đến với con trễ hơn vài ba ngày, khi đó chắc con đã được nghe nhiều câu chuyện kể về Trường Sa của ba, nhưng ba vẫn muốn viết riêng cho con gái của ba những dòng chữ dập dềnh theo nhịp sóng lắc lư trên con tàu. Trước mắt ba lúc này là biển mênh mông, xanh thẳm. Giá như con cũng được đứng trước mũi tàu lúc này, đối diện với mặt trời rất to và rất gần, con sẽ thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp...”.

Lá thư tình cảm đó đã giúp cô bé Thụy Đan thấy được nỗi vất vả, hy sinh lặng thầm của những người lính đang ngày đêm canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ở một nơi rất xa.

 Lính Trường Sa đọc thư của các em học sinh từ đất liền gửi ra

Lính Trường Sa đọc thư của các em học sinh từ đất liền gửi ra

Trong một bài tập làm văn kể về chú bộ đội đang canh giữ biên cương, biển đảo Tổ quốc, Thụy Đan đem câu chuyện trong cánh thư in dấu Trường Sa, trích đoạn viết: “Xúc động nhất trong hải trình đến Trường Sa chính là giây phút ba cùng đồng đội đứng trên tàu tưởng nhớ các chiến sĩ hải quân đã hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988. Trước lúc hy sinh, các anh đã khoác lên mình lá cờ Tổ quốc, như thể Tổ quốc non sông là máu thịt, không thể tách rời. Máu xương các anh và cờ đỏ sao vàng đã hòa vào biển cả. Con ơi, ba muốn con ghi nhớ điều này: trong lòng đại dương quê hương không chỉ giàu tôm cá, khoáng sản mà còn có cả hình hài của biết bao chiến sĩ, ngư dân đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Làm nên hồn thiêng sông núi…”.

Những năm qua, nhiều trường học ở TPHCM (như Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân) tổ chức cho học sinh viết thư gửi các anh lính đảo. Mỗi năm, hàng trăm lá thư mộc mạc, chứa đựng bao tình cảm thân thương của các em học sinh từ đất liền ra Trường Sa thân yêu. Do xa xôi, cách trở, có lá thư phải đến hơn 2 tháng mới đến tay các chiến sĩ trên các đảo, điểm đảo của Trường Sa.

Khi đọc những dòng chữ nắn nót viết trên trang giấy học trò của những cô bé, cậu bé lên 7, lên 10 chưa một lần biết mặt, chiến sĩ Trường Sa nào cũng dâng trào niềm cảm xúc, như được tiếp thêm tinh thần và nghị lực vượt qua gian khó nơi đảo xa.

HOÀI NAM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/canh-thu-in-dau-truong-sa-post739434.html