Cảnh giác với nguy cơ cháy, nổ mùa nắng nóng

Nếu cửa ra bị lửa khói bao trùm thì cần tìm lối thoát khác như: cửa sổ, ban công sang nhà bên cạnh, dùng thang thoát xuống mặt đất, trổ lối thoát lên mái, nếu được. Tuyệt đối không núp trong phòng hoặc nhà vệ sinh. Khi xảy ra cháy, nổ, hãy cố gắng tránh tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa và khói độc hại, che mặt bằng vật liệu ẩm ướt và di chuyển gần sàn nếu có thể để tránh khói nặng.

Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh Yên Bái phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Yên Bái tổ chức tập huấn phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, viên chức.

Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh Yên Bái phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Yên Bái tổ chức tập huấn phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, viên chức.

Bước vào mùa nắng nóng, thời tiết oi bức kết hợp nền nhiệt cao khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân tăng nhanh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao hơn so với bình thường. Để hiểu rõ hơn những nội dung liên quan đến phòng cháy, chữa cháy (PCCC), phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với Thượng tá Nguyễn Xuân Nam - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Yên Bái.

P.V : Xin đồng chí cho biết những nguyên nhân gây cháy, nổ phổ biến?

Thượng tá Nguyễn Xuân Nam: Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra cháy, nổ là do sử dụng không an toàn các thiết bị điện như: tự ý mắc thêm các thiết bị điện, không chú ý các bộ phận như dây dẫn điện chưa đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật; sử dụng các thiết bị điện bị quá tải…

Cùng với đó, là sự bất cẩn trong quá trình sử dụng các nguồn nhiệt như: không tắt bếp, khóa van bình gas khi không nấu ăn; không tắt nến, tắt đèn sau khi thắp hương, thờ cúng; sử dụng điện thoại trong khi đang sạc pin; hút thuốc ở nơi có nhiều vật liệu dễ cháy như phòng ngủ, cửa hàng vải, cửa hàng sách, báo. Thêm vào đó, nhiều cơ quan, đơn vị, hộ gia đình còn thiếu các biện pháp PCCC như hệ thống báo cháy, bình chữa cháy hoặc cách sắp xếp, nơi cất giữ chất cháy chưa hợp lý cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ cháy, nổ.

Thượng tá Nguyễn Xuân Nam - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh.

Thượng tá Nguyễn Xuân Nam - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh.

P.V : Khi xảy ra sự cố cháy, nổ, cần phải làm gì, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Xuân Nam: Khi phát hiện cháy, nổ hãy gọi điện thoại báo cháy tại cơ quan, doanh nghiệp hoặc gọi số 114 để thông báo về tình huống cháy, nổ. Đồng thời, nên thông báo cho những người xung quanh để họ có thể sơ tán một cách an toàn. Nếu có hệ thống báo cháy trong cơ quan hoặc doanh nghiệp thì hãy kích hoạt nút báo động cháy để cảnh báo mọi người về nguy cơ và sẵn sàng sơ tán. Khi sơ tán, tránh sử dụng thang máy và chú ý đến những lối thoát hiểm khẩn cấp.

Nếu cửa ra bị lửa khói bao trùm thì cần tìm lối thoát khác như: cửa sổ, ban công sang nhà bên cạnh, dùng thang thoát xuống mặt đất, trổ lối thoát lên mái nếu được. Tuyệt đối không núp trong phòng hoặc nhà vệ sinh.

Trong trường hợp còn an toàn, hãy cố gắng sử dụng các thiết bị chữa cháy có sẵn như bình cứu hỏa hoặc bình cứu hỏa tự động để dập tắt ngọn lửa ban đầu. Khi xảy ra cháy, nổ, hãy cố gắng tránh tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa và khói độc hại, che mặt bằng vật liệu ẩm ướt và di chuyển gần sàn, nếu có thể để tránh khói nặng. Trong trường hợp khi lực lượng cứu hỏa đến hiện trường, hãy tuân theo chỉ dẫn và hướng dẫn của họ, cung cấp thông tin chi tiết về tình hình cháy và hỗ trợ lực lượng cứu hỏa trong việc xác định nguồn nước và điều hướng các biện pháp dập cháy.

P.V : Trước tình trạng nguy cơ cháy, nổ tiềm ẩn tăng cao trong nắng nóng, đồng chí có khuyến cáo cụ thể gì dành cho người dân để bảo đảm an toàn?

Thượng tá Nguyễn Xuân Nam : Để hạn chế nguy cơ xảy ra cháy, nổ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các hộ gia đình cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối; không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn; cần thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: cầu chì, công tắc, cầu dao, aptomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn.

Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị sử dụng điện để lâu ngày không hoạt động khi bước vào mùa nắng nóng; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm; không sạc điện thoại, xe máy điện, xe đạp điện, thiết bị tiêu thụ điện... qua đêm khi không có người ở nhà; không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy, nổ và các chất lỏng dễ cháy trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ; không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng, trường hợp đã lắp thì phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết và chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra…

P.V : Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hồng Oanh (thực hiện)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/322788/canh-giac-voi-nguy-co-chay-no-mua-nang-nong.aspx