Cần mới nhưng không dễ

Sự phát triển của Singapore cho đến nay là một câu chuyện thành công trên thế giới, song thách thức trước mắt cũng ngày càng nhiều

Sự thay đổi thủ tướng vừa rồi từ ông Lý Hiển Long sang ông Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong) gợi nhớ chuyện xưa ở Singapore.

Kể từ khi Singapore trở thành quốc gia độc lập vào năm 1965, nhà họ Lý chế ngự chính trường và số phận của đảo quốc này: Người cha là ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng Singapore từ năm 1965 đến 1990 và người con Lý Hiển Long ở cương vị này từ năm 2004 đến vừa rồi, khoảng giữa dành cho ông Goh Chok Tong.

Giống như người cha sau khi không còn là thủ tướng, ông Lý Hiển Long vẫn có cương vị đầy quyền lực trong chính phủ của người kế nhiệm.

Không trực tiếp điều hành hoàn toàn không có nghĩa không còn ảnh hưởng gì tới hiện tại và tương lai của Singapore, nhất là khi việc ông Hoàng Tuần Tài kế nhiệm đã được ông Lý Hiển Long và Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền chuẩn bị từ một vài năm nay.

Ở bên trong cũng như bên ngoài Singapore hiện gần như cùng chung nhận thức rằng sự thay đổi thủ tướng không đem lại thay đổi cơ bản đáng kể nào trong quan điểm chính sách.

Tuy nhiên, việc chuyển giao quyền lực cũng đặt ra câu hỏi là thời kỳ cầm quyền của ông Hoàng Tuần Tài sẽ kéo dài bao lâu và thế hệ thứ 3 của nhà họ Lý có lại lãnh đạo Singapore lần nữa hay không.

Ông Hoàng Tuần Tài (trái) trở thành Thủ tướng Singapore hôm 15-5, kế nhiệm ông Lý Hiển Long (phải) Ảnh: REUTERS

Ông Hoàng Tuần Tài (trái) trở thành Thủ tướng Singapore hôm 15-5, kế nhiệm ông Lý Hiển Long (phải) Ảnh: REUTERS

Trong những phát ngôn đầu tiên sau khi tuyên thệ nhậm chức thủ tướng hôm 15-5, ông Hoàng Tuần Tài quả quyết sẽ kế thừa và tiếp nối chính sách cầm quyền của người tiền nhiệm chứ không thay đổi.

Ông thậm chí dùng ngạn ngữ "đứng trên vai người khổng lồ" để đề cao 3 người tiền nhiệm. Nhưng đồng thời, ông Hoàng Tuần Tài cũng tuyên bố sẽ có cách thức cầm quyền riêng mà ban đầu và trước hết là cách thức cầm quyền khác để rồi về sau có quan điểm chính sách khác.

Đối với người mới, kế thừa đường lối của người cũ không phải việc khó khăn. Nhưng chỉ kế thừa thì chắc chắn ông Hoàng Tuần Tài sẽ không mở ra và kiến tạo nên thời kỳ mới cho Singapore, đơn giản bởi thế giới và khu vực biến động nhanh chóng và sâu sắc cũng như chính trị và xã hội nội bộ ở Singapore vậy.

Sự phát triển kinh tế - xã hội của Singapore cho đến nay là một câu chuyện thành công trên thế giới. Nhưng thách thức mà ông Hoàng phải đối mặt cũng ngày càng nhiều.

Vị thế và nền tảng quyền lực của PAP đang bị phe đối lập thách thức quyết liệt hơn. Nhiều vấn đề chính trị - xã hội thêm nan giải và gay gắt, như chênh lệch giàu nghèo, chi phí nhà ở và sinh hoạt gia tăng, mật độ dân số cao...

Thế giới bên ngoài càng coi trọng và tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thì các ưu thế cạnh tranh lâu nay về kinh tế và thương mại, logistics và dịch vụ, tài chính của Singapore càng bị đe dọa.

Một số ưu thế nổi trội lâu nay của Singapore về tăng trưởng kinh tế và kinh tế đối ngoại đã dần giảm tác dụng. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tìm kiếm động lực tăng trưởng mới ngày càng cấp thiết đối với Singapore để có thể viết tiếp câu chuyện phát triển thành công.

Chính vì vậy, cái bóng phủ của những người tiền nhiệm càng sâu đậm thì việc gây dựng thời kỳ cầm quyền mới càng thêm nhạy cảm và khó khăn!

NGẢI SA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/can-moi-nhung-khong-de-196240518200625299.htm