CẦN GIẢI PHÁP THIẾT THỰC BẢO VỆ TRẺ EM KHỎI TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng có giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng tai nạn đuối nước đối với trẻ em. Nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác dạy bơi, học bơi, trong đó có cơ chế tài chính cho công tác này đã được các Bộ trưởng phân tích, trình bày. Để giải quyết căn cơ và toàn diện vấn đề này, cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, qua đó tháo gỡ vướng mắc, bất cập, góp phần bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn đuối nước.

Tỷ lệ trường học có bể bơi còn thấp

Tham gia đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Lê Văn Khảm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, hàng năm có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, đây là một thực tế rất đau lòng. Một trong những giải pháp được đánh giá là hợp lý về chi phí và có hiệu quả cao để phòng tránh đuối nước là dạy bơi an toàn. Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tỷ lệ trường học có bể bơi rất thấp, chưa đầy 9% và ngay cả khi có bể bơi thì hoạt động cũng còn hạn chế.

Đại biểu Lê Văn Khảm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Lê Văn Khảm đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết nguyên nhân của thực trạng này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới để tăng tỷ lệ học sinh biết bơi theo chuẩn.

Trả lời câu hỏi chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, những năm trước đây, tỷ lệ trẻ em bị đuối nước ở nước ta rất đáng ngại. Sau khi Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng như Ủy ban Quốc gia đã tổ chức Hội nghị toàn quốc của vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 398 tháng 5/2022, trong đó, giao đích danh cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp có trách nhiệm chỉ đạo việc dạy bơi, chống đuối nước trong trường học.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Hai năm qua, tỷ lệ trẻ em bị đuối nước giảm đi rõ rệt, đặc biệt năm 2022 đã giảm 5%. Giải pháp dạy bơi trong trường học của chúng ta tuy còn nhiều hạn chế, nhưng qua công tác kiểm tra Tổ chức Y tế của thế giới đã đánh giá rằng công tác này đã có kết quả bước đầu và cần khuyến khích tiếp tục mở rộng. Thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành hữu quan, tiếp tục thực hiện các giải pháp này để đẩy mạnh hơn nữa việc dạy bơi, chú trọng hơn nữa việc bố trí nguồn lực, thiết bị để nâng cao hiệu quả công tác dạy và học bơi trong trường học.

Nhiều trường học có bể bơi nhưng thiếu chi phí vận hành

Cùng tham gia trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổ chức dạy bơi, hướng dẫn an toàn dưới nước đối với học sinh trong nhà trường. Về việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Kế hoạch hành động giai đoạn 2021 - 2025 liên quan đến vấn đề hướng dẫn học sinh để tăng cường dạy bơi và phòng chống đuối nước. Từ đó đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất tích cực triển khai những công việc như chuẩn bị các tài liệu, những vấn đề tập huấn, các quy định, kế hoạch.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, trong cả nước hiện mới chỉ có 2.184 trường có bể bơi. Từ khi triển khai quyết định này đến nay, tỷ lệ được dạy bơi và biết bơi của học sinh từ tiểu học đến trung học mới đạt 33,59%. Một trong những khó khăn, vướng trong quá trình triển khai là rất nhiều trường học không có bể bơi để tập, ngoài ra, nhiều trường có bể bơi nhưng không sử dụng được vì thiếu kinh phí vận hành. Đây là một điều cũng rất đáng băn khoăn cần phải tháo gỡ trong thời gian sắp tới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, kinh phí để vận hành, quản lý bể bơi rất tốn kém, một số tỉnh tháo gỡ bằng cách đưa danh mục đó vào trong các chi phí của nhà trường do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, một số tỉnh không đưa vào danh mục này thì sẽ không xử lý được. Hiện nay, một số trường tư thục, trường ngoài công lập có bể bơi và có cơ chế tài chính tốt, nên thực hiện hiệu quả việc dạy bơi cho trẻ. Đối với các trường công, việc hợp tác công tư trong sử dụng và khai thác các cơ sở vật chất này hiện nay còn đang vướng mắc về kinh phí. Bộ trưởng cho biết sẽ tích cực nghiên cứu và phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương để có giải pháp thiết thực cho vấn đề này trong thời gian tới.

Cần tăng cường trang bị cho trẻ kiến thức phòng chống đuối nước

Cũng quan tâm đến vấn đề này, giảng viên Trần Thị Thu Hằng, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết, Việt Nam hiện đang là quốc gia có tỷ lệ số người chết do đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng (do Ủy ban chăm sóc thiếu niên và nhi đồng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế cung cấp) trung bình mỗi năm ở nước ta xảy ra trên 3500 vụ tai nạn chết người liên quan đến sông nước (trung bình 10 người/ngày), đặc biệt số trẻ em chết đuối thường gia tăng vào dịp hè là lúc học sinh nghỉ học, có nhiều thời gian rảnh rỗi. Như chúng ta đã biết, đuối nước là một tai nạn bất ngờ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi nhất là ở lứa tuổi học sinh. Vì lứa tuổi các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh nên rất dễ bị tai nạn đuối nước. Việt Nam là một nước có hệ thống sông ngòi dày đặc với khoảng 2.360 con sông lớn nhỏ, tại các vùng nông thôn còn có hệ thống kênh mương, ao hồ cũng được phân bố dày đặc và chằng chịt và đặc biệt có hơn 3200 km bờ biển đã tạo lên nhiều lợi thế để phát triển du lịch, kinh tế - xã hội cũng như giao thương với quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân cướp đi hàng nghìn sinh mạng người Việt Nam mỗi năm do tai nạn đuối nước, trong đó phần đông là trẻ em.

Giảng viên Hoàng Đình Hôm, Trường Đại học Thăng Long chỉ ra rằng có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tai nạn đuối nước: Do người lớn, trẻ em còn thiếu ý thức, kiến thức về mối nguy hiểm tai nạn sông nước, các yếu tố nguy cơ, và kỹ năng phòng tránh đuối nước. Các kỹ năng cần đặc biệt chú ý gồm: Quản lý trẻ, dạy bơi, kỹ năng phòng chống đuối nước… Do môi trường tiềm ẩn những nguy cơ đuối nước như: Sông, hồ, suối, ao… không có biển báo nguy hiểm, rào chắn; Các bãi biển dốc, sóng to nhiều vùng xoáy; Mưa to, lũ lụt xảy ra thường xuyên; Những nơi có sông suối hồ ao, trẻ em không biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan không lường hết được sự nguy hiểm… Nhiều trẻ dù biết bơi, vẫn gặp tai nạn đuối nước bởi không có địa điểm bơi an toàn, phải bơi ở sông hồ. Đi bơi không có phao bơi, áo phao, đồ bảo hộ. Thậm chí, ngay tại nơi các em sống vẫn còn có các hố nước xây dựng, ao tù… là nơi có nguy cơ cao gây tai nạn đuối nước.

Cần tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em

Cần tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em

Nhiều chuyên gia cho rằng, để phòng tránh tai nạn đuối nước chúng ta cần chú ý quan tâm và trang bị cho trẻ các kiến thức sau: Những người có bệnh tiền sử về tim mạch, hô hấp, đặc biệt là bệnh động kinh không nên tham gia bơi lội. Không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối, ao hồ mà không có người lớn biết bơi đi kèm. Không được phép bơi khi chưa xin phép bố mẹ. Không chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố. Nên có người lớn đưa đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông, đập tràn,… Cho trẻ em tham gia học các kỹ năng bơi lội, kỹ năng tự cứu khi xảy ra các tình huống có nguy cơ dẫn đến đuối nước, học kỹ năng phòng chống đuối nước…

Các chuyên gia cũng khuyến nghị những nguyên tắc an toàn khi bơi, cụ thể: Khi tham gia tắm, bơi lội tại các bể, hồ bơi cần tuân thủ nội quy của bể, hồ bơi. Không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn. Không được tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy siết, xoáy khi không có người lớn biết bơi và cứu đuối. Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa. Khi đi tắm biển ở những khu du lịch tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm và bơi trong vùng phao an toàn. Phải khởi động, tắm tráng trước khi xuống nước. Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước. Cần thực hiện nghiêm túc về an toàn giao thông đường thủy như: An toàn về phương tiện, có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, chở đúng số người quy định.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81891