Cần cơ chế quản lý, vận hành mang tính đột phá đối với kinh doanh xăng dầu

Đánh giá chung cho rằng nguồn cung xăng dầu trong nước bước đầu được bảo đảm và hệ thống lưu thông phân phối được củng cố, vì vậy vai trò của công cụ Quỹ không còn cần thiết như giai đoạn trước đây.

Mua, bán xăng tại cửa hàng kinh doanh xăng, dầu Petrolimex. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Mua, bán xăng tại cửa hàng kinh doanh xăng, dầu Petrolimex. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngày 14/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Trên cơ sở kế thừa các nội dung hợp nhất của các Nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện hành, Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu có nhiều điểm thay đổi so với NĐ/ 83-CP với các nội dung về hệ thống kinh doanh xăng dầu, điều kiện kinh doanh, quỹ bình ổn giá xăng dầu, công thức và cơ chế định giá.

Đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Theo phó giáo sư tiến sỹ Ngô Trí Long, việc bỏ Quỹ bình ổn giá đối với xăng dầu không vi phạm quy định tại Luật Giá năm 2012 cũng như Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024), do Luật Giá chỉ quy định về quỹ bình ổn giá nói chung, không đề cập trực tiếp đến Quỹ bình ổn giá đối với xăng dầu. Theo quy định hiện hành, Chính phủ sẽ quyết định việc lập quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá (được quy định cụ thể tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu).

Tiến sỹ Ngô Trí Long cho rằng việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào thời điểm này là có cơ sở thực tiễn. Vì nếu thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần thì mức độ biến động giá giữa 2 lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn. Hơn nữa, tâm lý của người tiêu dùng cũng đang thích ứng được với việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước theo biến động giá thế giới.

Thực tiễn khi cần bình ổn giá, theo quy định tại Luật Giá năm 2023 thì ngoài công cụ quỹ, còn có các biện pháp là điều hòa cung cầu, biện pháp tài chính-tiền tệ, định giá cụ thể-tối đa-tối thiểu hoặc khung giá hay áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định pháp luật và điều ước quốc tế.

Ông Ngô Trí Long dẫn chứng trong năm 2022, khi thị trường xăng dầu có nhiều bất ổn theo giá thế giới, Bộ Công Thương đã phải triển khai các giải pháp để bảo đảm được nguồn cung, ổn định cung-cầu trong nước, trong đó Bộ Tài chính đã kịp thời trình Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho điều chỉnh giảm Thuế Bảo vệ môi trường vào tháng 4/2022 và tiếp tục giảm kịch sàn trong khung thuế này từ ngày 11/7/2022 để góp phần bình ổn giá xăng dầu…

Hơn nữa, cơ quan điều hành gần như không thực hiện trích, chi quỹ trong nhiều kỳ vừa qua, tuy nhiên thị trường vẫn ổn định.

“Đánh giá từ thị trường kinh doanh xăng dầu, hiện còn hơn 30 doanh nghiệp đầu mối, gần 400 doanh nghiệp phân phối và nhất là với sự tham gia của 2 nhà máy lọc dầu trong nước, nên nguồn cung bước đầu được bảo đảm và hệ thống lưu thông phân phối đã được củng cố, thúc đẩy cạnh tranh. Vì vậy, vai trò của công cụ quỹ không còn cần thiết như giai đoạn trước đây,” ông Long nói.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Huy Trung, đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng bản chất Quỹ bình ổn giá là tiền của người tiêu dùng góp vào. Trong khi đó, người tiêu dùng không tiếp cận và xử lý được thông tin về việc lập và sử dụng quỹ mặc dù có quy định cho tất cả các doanh nghiệp phải công khai, nhưng thực tế không có cơ chế tham gia giám sát của người tiêu dùng để bảo đảm sử dụng đúng và hiệu quả quỹ này.

“Cơ quan điều hành của Nhà nước quyết định sử dụng quỹ. Do đó, việc lập quỹ bản chất là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại hàng hóa có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất, không phản ánh đúng tính chất thị trường của hàng hóa,” ông Đỗ Huy Trung nói.

Tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Luật sư Điều hành cấp cao, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự nhấn mạnh ban hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu cần vì lợi ích quốc gia (tức bảo đảm an ninh năng lượng và nhiên liệu) và vì lợi ích doanh nghiệp (tức bảo đảm tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ) cùng lợi ích người tiêu dùng (tức có giá cả hợp lý và chất lượng tốt).

Theo ông Nguyễn Tiến Lập, “nhìn lại quá trình quản lý Nhà nước về lĩnh vực xăng dầu hai mươi năm (2003-2023), từ Quyết định 187/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu, đến Nghị định 83/2014 và Dự thảo Nghị định này, chúng tôi e rằng có một bước tụt lùi lớn trong việc tạo lập thể chế thị trường và hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng tôn trọng, bảo đảm quyền tự do, tự chủ và cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp".

Cụ thể, ông Nguyễn Tiến Lập chỉ ra nếu Quyết định 187/2003 chỉ có ba trang ngắn gọn với 21 điều, quy định các vấn đề có liên quan đến kinh doanh xăng dầu, nhưng chỉ đề cập các hoạt động theo chức năng của doanh nghiệp mà không phân loại và phân chia doanh nghiệp như doanh nghiệp đầu mối, phân phối và bán lẻ. Theo đó, quy định chỉ yêu cầu 3 loại giấy phép là Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu, Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu nội địa và Văn bản đăng ký hệ thống đại lý. Song, từ Nghị định 83/2014 đến Dự thảo Nghị định này (38 điều và 51 trang) đều quy định có tới ít nhất 7 loại giấy phép khác nhau do Bộ Công Thương và/hoặc Sở Công Thương cấp cho các loại doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh xăng dầu khác nhau, từ Thương nhân làm đầu mối nhập khẩu, phân phối, bán lẻ đến tận cửa hàng và điểm bán xăng dầu.

“Về tác động và hệ quả, xin lưu ý mặc dù cơ chế quản lý Nhà nước siết chặt hơn như vậy, đáng tiếc là các sự vụ như khủng hoảng thiếu nguồn cung xăng dầu năm 2022 và buôn lậu xăng dầu lớn vẫn diễn ra,” ông Nguyễn Tiến Lập dẫn chứng thực tế.

Theo đó, ông Nguyễn Tiến Lập kiến nghị cần xây dựng mô hình và cơ chế quản lý, vận hành mới có tính cải cách đột phá đối với thị trường xăng dầu với ba mục tiêu và đặc trưng cơ bản cần đạt.

Thứ nhất là tự do hóa, không phân loại, phân biệt đối xử, tôn trọng quyền tự chủ kinh doanhcủa các doanh nghiệp trong việc lựa chọn hình thức tổ chức, địa bàn, quy mô, đối tác kinh doanh và hình thức cung ứng dịch vụ trên cơ sở luật định.

Thứ hai là bảo đảm cạnh tranh công bằngvà minh bạch giữa các doanh nghiệp, áp dụng thử nghiệm cơ chế đấu thầu, đấu giá để người tiêu dùng được hưởng lợi từ giá cả cạnh tranh và chất lượng tốt nhất.

Thứ ba, Nhà nước chỉ điều tiết, can thiệp vào thị trường khi có biến động lớn liên quan đến an ninh chính trị - kinh tế. Khi can thiệp, Nhà nước sử dụng linh hoạt nhiều công cụ điều tiết khác nhau đặc biệt là thuế, hỗ trợ lãi suất tín dụng thay cho chỉ sử dụng quỹ bình ổn giá và không can thiệp hành chính vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp ngoại trừ chức năng giám sát cạnh tranh. Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ xây dựng và bảo đảm sự ổn định chuỗi cung ứng đồng thời chịu trách nhiệm trực tiếp về tổ chức hệ thống dự trữ xăng dầu quốc gia tương tự như với các mặt hàng có ý nghĩa chiến lược khác và giống mô hình của các nước./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/can-co-che-quan-ly-van-hanh-mang-tinh-dot-pha-doi-voi-kinh-doanh-xang-dau-post948355.vnp