Cần cải thiện pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp

Năm 2023 quy trình xây dựng pháp luật được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện hơn nữa, bởi doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực vẫn còn vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh…

Năm 2023 số lượng văn bản Quốc hội ban hành là 16 luật, Chính phủ ban hành 99 nghị định, Thủ tướng ban hành 33 quyết định và các bộ, ban, ngành ban hành 510 thông tư.

Theo số liệu được đưa ra tại hội thảo “Công bố báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2023” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, năm 2023 số lượng văn bản Quốc hội ban hành là 16 luật, Chính phủ ban hành 99 nghị định, Thủ tướng ban hành 33 quyết định và các bộ, ban, ngành ban hành 510 thông tư. Số lượng này tương đương năm 2022.

VẪN CÒN “LUẬT KHUNG, LUẬT ỐNG”

Báo cáo này cũng nêu rõ, năm 2023 đã có nhiều chuyển biến trong quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chất lượng như tăng nhân lực và thời gian, tổ chức nhiều cuộc họp xây dựng pháp luật, lấy ý kiến nhiều vòng, nhiều lượt, nhiều đối tượng hơn. Bên cạnh đó, quy trình xây dựng chặt chẽ hơn, cố gắng đồng thuận trước các ý kiến khác nhau, bảo đảm từng mốc thời gian, cũng như có sự góp ý cẩn trọng hơn từ các bộ.

Tuy nhiên, đại diện nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế VCCI, cho biết vẫn còn một số chính sách chưa phù hợp, cần tiếp tục thay đổi mạnh mẽ. Điển hình như năm 2023, trước các yêu cầu của chuyển đổi xanh, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và quy định pháp luật dành cho lĩnh vực này. Dù mục tiêu tốt, song việc ban hành nhanh chóng nhiều chính sách xanh cũng để lại không ít băn khoăn, lo lắng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Chẳng hạn như quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), đây là chính sách lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường, nhưng tác động đến rất nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực sản xuất quan trọng và không tránh khỏi tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. Dù rất ủng hộ các quy định bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp cũng có nhiều quan ngại khi chính sách được áp dụng mà chưa được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng.

Cụ thể hơn, ông Đức cho biết quy định về EPR được quy định chỉ vỏn vẹn gần 300 từ tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Với dung lượng khiêm tốn, quy định tại luật gần như không có thông tin gì đáng kể, chỉ quy định rằng doanh nghiệp có trách nhiệm này. Một quy định với “3 không”: không có nội dung về sản phẩm thuộc diện tái chế, các doanh nghiệp không rõ có thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định hay không để đóng góp cho chính sách; không có nội dung về cơ chế vận hành, các doanh nghiệp không có nội dung gì để nghiên cứu, đóng góp ý kiến; không có đánh giá tác động chính sách. Do đó, trách nhiệm đặt lên vai doanh nghiệp trong sự “mù mờ”.

“Nội dung của quy định này chỉ được làm rõ hơn khi soạn thảo Nghị định hướng dẫn quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường, dù còn nhiều ý kiến trái chiều, Nghị định vẫn được ban hành để kịp thời có hiệu lực thi hành với Luật”, ông Đức nêu thực tế; đồng thời, ông Đức cho biết tình trạng “đặt gạch, giữ chỗ” tại văn bản luật như vậy cũng không quá hiếm. Việc này, một mặt, giúp cơ quan nhà nước tránh phải xây dựng nghị định không đầu với quy trình 2 bước phức tạp. Mặt khác, tạo cảm giác chắc chắn vì sẽ vẫn được ban hành, dù chưa cụ thể hay khó khả thi.

CHƯA ĐỘT PHÁ CẮT GIẢM, ĐƠN GIẢN HÓA QUY ĐỊNH

Mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã yêu cầu phải gửi văn bản quy định chi tiết kèm theo hồ sơ luật, nhưng quy định này còn mang nặng tính hình thức, không được kiểm tra kỹ lưỡng, cũng như không có gì ràng buộc giá trị pháp luật của hồ sơ này sau khi luật được ban hành.

Báo cáo đánh giá, gần ba năm trở lại đây, để thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2020, các bộ đã tiến hành rà soát, xây dựng các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của mình.

Tính từ năm 2021 đến cuối tháng 11/2023, các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.483 quy định kinh doanh tại 201 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.191 quy định kinh doanh tại 221 văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản, hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đã, đang và sẽ thực hiện góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Báo cáo cho rằng các phương án cắt giảm, đơn giản hóa vẫn chưa thực sự đạt như kỳ vọng, đôi chỗ vẫn còn mang tính hình thức. Đáng chú ý, các vấn đề lớn, tác động đến doanh nghiệp, dường như “vắng bóng” trong các phương án cắt giảm, đơn giản hóa. Ví dụ như các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy; các điều kiện kinh doanh bất cập, vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh trước đây.

Năm 2023, VCCI tiến hành lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn, bất cập, chồng chéo trong các văn bản pháp luật về kinh doanh. Doanh nghiệp, hiệp hội đã phản ánh 94 bất cập, vướng mắc trong đó liên quan đến các quy định từ cấp luật đến nghị định, thông tư, nhưng các vướng mắc của doanh nghiệp phản ánh dường như rất ít được “nhắc tới” trong các đề xuất cắt giảm của các bộ, ngành. Điều này cho thấy, dường như hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh chưa phản ánh được mong muốn thực sự của doanh nghiệp.

Ngoài ra, báo cáo cho rằng tư duy của các nhà soạn chính sách vẫn nặng về “quản lý” thay vì “phục vụ”. Trong hệ thống pháp luật về kinh doanh hiện hành cũng như đang được soạn thảo, có một số biện pháp quản lý chưa phù hợp, quá mức cần thiết, không rõ mục tiêu quản lý, vô hình trung tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Đơn cử như yêu cầu quá nhiều giấy phép cho một hoạt động kinh doanh. Điều này quy định trong giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, giấy chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và giấy phép xuất khẩu sản phẩm này. Ngoài ra có một số thủ tục hành chính được thiết kế quá phức tạp, yêu cầu chủ thể kinh doanh phải thực hiện nhiều thủ tục, thời gian kéo dài, trong hồ sơ xin cấp phép có các “giấy phép con” không cần thiết như quy định kinh doanh dịch vụ bảo tàng...

Không chỉ vậy, một số chính sách đang được soạn thảo lại đang quay lại tư duy kiểm soát thị trường bằng các biện pháp hành chính, như “yêu cầu việc xây dựng, thành lập cơ sở đào tạo lái xe ô tô và trung tâm sát hạch lái xe phải căn cứ vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch khác liên quan”...

CẦN ĐỔI MỚI TƯ DUY XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Đồng tình với kết quả của báo cáo, theo ông Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ, bổ sung hệ thống pháp luật còn nhiều vấn đề, việc tổ chức thực thi pháp luật còn rất yếu. Hơn nữa, giữa tổ chức pháp luật và thực thi pháp luật còn có khoảng cách lớn.

Hoạt động xây dựng pháp luật năm 2023 là một thành tích, hoạt động này được quan tâm, đẩy mạnh hơn. Song, một câu hỏi đặt ra là: Chúng ta làm nhiều luật, nhiều nghị định và thông tư có phải là tốt hay không? Điều này đồng nghĩa với chính sách của chúng ta có tính ổn định chưa cao, hoặc các quy định của pháp luật thiếu tính khả thi nên phải sửa đổi, bổ sung nhiều.

Nhìn vào các chương trình xây dựng pháp luật hàng năm của Quốc hội, của Chính phủ có thể thấy vẫn quá nhiều những dự án sửa đổi, bổ sung. Có những luật, nghị định, thông tư chỉ vài ba năm đã phải sửa đổi, bổ sung. Đây là vấn đề hạn chế của hệ thống pháp luật về mặt nội dung, tính không thống nhất, thiếu đồng bộ. Song, điều quan trọng nhất là nhiều quy định còn thiếu tính khả thi do thiếu hiểu biết về thực tiễn. Do đó, theo ông Sỹ, cần phải đổi mới trong tư duy xây dựng pháp luật.

“Thực tiễn khi xây dựng văn bản pháp luật có những quan điểm khác nhau về mặt chính sách, do đó đòi hỏi cần có sự tham vấn và thống nhất quan điểm. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất những vấn đề không đồng thuận đẩy lên cơ quan cấp trên như Chính phủ, Quốc hội, nên có cơ chế tham vấn và đồng thuận chính sách, tất nhiên không thể đòi hỏi 100%”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Sỹ kiến nghị cần sửa ngay, sửa tổng thể Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian sớm nhất để cắt bỏ những thủ tục, quy trình không khoa học, không hợp lý và không khả thi.

Song Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/can-cai-thien-phap-luat-kinh-doanh-cho-doanh-nghiep.htm