Các nhà sản xuất Nhật Bản đạt lợi nhuận kỷ lục nhờ đồng yen yếu

Lợi nhuận ròng trong lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm tài chính 2023 do giá cả tăng vọt và đồng yen yếu.

Biểu tượng hãng Toyota tại cửa hàng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng hãng Toyota tại cửa hàng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê, lợi nhuận ròng tổng hợp của 170 nhà sản xuất niêm yết trên thị trường cao cấp Prime của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo đã tăng 23% lên 14.800 tỷ yen (95 tỷ USD) trong năm tài chính 2023 kết thúc vào tháng 3/2024.

Lợi nhuận ròng tổng hợp của khu vực phi sản xuất cũng tăng 7% lên 11.600 tỷ yen. Đây lần đầu tiên khu vực sản xuất vượt qua lĩnh vực phi sản xuất kể từ năm tài chính 2021. Sự phục hồi thu nhập từ lĩnh vực sản xuất dự kiến sẽ giúp củng cố việc tăng lương và tuyển dụng trong ngành.

Cùng với việc tăng giá bán và đồng yen yếu, khối lượng bán hàng tăng đã thúc đẩy lợi nhuận và giảm bớt tác động tiêu cực từ sự đi xuống của kinh tế Trung Quốc và việc tăng lãi suất của Mỹ. Các nhà sản xuất cũng công bố tỷ suất lợi nhuận ròng là 6,7% - mức cao kỷ lục.

Công nghiệp ô tô, ngành mang lại phần lớn lợi nhuận cho lĩnh vực sản xuất, là động lực dẫn đầu đằng sau những con số này. Trong đó, lợi nhuận ròng của Toyota Motor đã tăng gấp đôi lên gần 5.000 tỷ yen. Dù Toyota tăng giá bán nhưng xe hybrid vẫn bán chạy trên toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Mỹ.

Nissan Motor cũng công bố nhuận tăng 90% trong năm tài chính 2023, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh số bán hàng tại Mỹ. Nhà sản xuất máy móc hạng nặng Komatsu đã đạt được lợi nhuận kỷ lục cho năm tài chính 2023. Công ty đã tăng giá thiết bị xây dựng, khiến lợi nhuận tăng thêm khoảng 130 tỷ yen. Mitsubishi Heavy Industries cũng báo cáo lợi nhuận tăng vọt nhờ hiệu suất mạnh mẽ của tua-bin hiệu suất cao dành cho các nhà máy điện chạy bằng khí đốt.

Trong năm tài chính 2023, đồng yen suy yếu thêm khoảng 10 yen/1 USD. Theo công ty chứng khoán Daiwa Securities, khi đồng tiền Nhật Bản yếu đi 1 yen so với "đồng bạc xanh", lợi nhuận trước thuế tại các tập đoàn lớn của Nhật Bản tăng khoảng 0,4%.

Sự phục hồi trong ngành sản xuất có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp. Theo chiến lược gia trưởng về cổ phiếu tại SMBC Nikko Securities, ông Hikaru Yasuda: “Thu nhập cao của các nhà sản xuất lớn sẽ tạo ra động lực thuận lợi cho việc tăng lương và tạo việc làm ở các công ty vừa và nhỏ”.

Toyota sẽ chi 300 tỷ yen để hỗ trợ các nhà cung cấp khi họ phải giải quyết các chi phí tăng thêm. Nguồn vốn này sẽ được sử dụng để chi trả cho lao động, nâng cấp nơi làm việc và số hóa các hoạt động. Nissan cũng đang hỗ trợ mạng lưới các nhà cung cấp của mình khi họ phải vật lộn với chi phí tăng cao.

Các công ty thượng nguồn sản xuất nguyên liệu đang chịu áp lực tăng giá do thiếu lao động và tăng lương. Theo Phó Chủ tịch điều hành của Nippon Steel Takahiro Mori: “Toàn bộ nguồn cung dự kiến sẽ chịu tác động của chi phí cao hơn, chẳng hạn như chi phí lao động và hậu cần”.

Trong năm tài chính hiện tại, các công ty đang cảnh giác trước xu hướng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, lãi suất tăng và áp lực tiền tệ. Theo Chủ tịch Kenji Yamaguchi của nhà sản xuất robot Fanuc, đơn đặt hàng của Trung Quốc “vẫn còn yếu”. Công ty dự báo lợi nhuận sẽ giảm.

Đồng yen đang dao động quanh mức 155 yen đổi 1 USD. Mặc dù điều này sẽ mang lại động lực cho ngành sản xuất nhưng đồng yen quá yếu sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu linh kiện và nguyên liệu. Về vấn đề này, Chủ tịch hãng sản xuất vật liệu Asahi Kaseim ông Koshiro Kudo cho rằng: “Điều đó sẽ giống như một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Nhật Bản”.

Xuân Giao (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-nha-san-xuat-nhat-ban-dat-loi-nhuan-ky-luc-nho-dong-yen-yeu/332800.html