Bộ Thông tin và Truyền thông họp báo thường kỳ tháng 5/2024

Chiều 13/5/2024, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 4/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới; đồng thời, trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, ngành TT&TT đang được báo chí và dư luận quan tâm.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Người phát ngôn của Bộ TT&TT chủ trì buổi họp báo. Dự buổi họp báo có đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các nhà báo, phóng viên của hơn 50 cơ quan thông tấn, báo chí.

Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị định liên quan đến quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, quy định về hoạt động thông tin cơ sở.

Toàn cảnh họp báo.

Trong tháng 4, Bộ đã tổ chức một số hoạt động nổi bật như, tổ chức Lễ khai mạc và Hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đem đến tinh thần mới: Người dân ở đâu, văn hóa đọc phát triển ở đó; bạn đọc ở đâu, sách phải đến đó. Tổ chức Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Tọa đàm cấp cao về an toàn thông tin mạng “Nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu và ứng phó sự cố tấn công mạng trong kỷ nguyên số”.

Trao Giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Ra mắt Sổ tay hướng dẫn tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ (Phiên bản 1.0) và Cẩm nang phòng chống, giảm thiểu rủi ro từ tấn công ransomware nhằm giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng lực chủ động ứng phó và phát hiện sớm các nguy cơ tấn công mạng.

Khai trương Trung tâm Báo chí phục vụ hoạt động của phóng viên trong nước và nước ngoài, tổ chức điều hành, hướng dẫn báo chí tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; phát hành bộ tem 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và tổ chức trình chiếu bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" bằng công nghệ 3D Mapping”.

Một số giải pháp cụ thể Bộ TT&TT đã triển khai thực hiện: Trình Chính phủ hồ sơ Luật Báo chí (sửa đổi); Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.

Tiếp tục triển khai phủ sóng vùng lõm, thúc đẩy tắt sóng 2G theo lộ trình; gắn trách nhiệm cho người đứng đầu doanh nghiệp viễn thông trong việc thực hiện nghiêm công tác quản lý, đăng ký thông tin thuê bao, phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp xử lý, thu hồi, ngăn chặn triệt để tình trạng SIM rác.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ sẽ trình hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Bưu chính (sửa đổi), Luật Xuất bản (sửa đổi). Tham mưu Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, như: Nghị định quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; Nghị định sửa đổi Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin...

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông trả lời báo chí.

Trao đổi về vấn đề xử lý SIM rác, SIM không cập nhật thông tin chính chủ sau ngày 15/4 cùng các biện pháp hạn chế tin nhắc rác, cuộc gọi rác. Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, Bộ TT&TT đã nêu rõ quan điểm: "Từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định.

Trường hợp phát hiện các vi phạm. Thanh tra Bộ TT&TT tổ chức thanh tra xử lý vi phạm, có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển mới. Đồng thời, Bộ sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có hình thức kỷ luật".

Trên cơ sở đó, thời gian qua, ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, của báo chí, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị (Thanh tra Bộ, Cục Viễn thông) tổ chức khảo sát, kiểm tra, xác minh. Đến thời điểm hiện tại kết quả xác minh sơ bộ cho thấy các trường hợp này đều có đầy đủ thông tin thuê bao.

Các đơn vị đang tiếp tục tổ chức khảo sát thực tế, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông làm rõ một số nội dung. Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông đã rà soát và phát hiện khoảng 5,75 triệu thuê bao thuộc nhóm đang sở hữu từ 4-9 SIM trên 1 giấy tờ.

Đối với các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, bên cạnh công tác xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người sử dụng, Bộ TT&TT thực hiện triển khai đồng bộ các phương án, giải pháp về chính sách, hành chính, kỹ thuật… nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, cuộc gọi giả mạo từ các số thuê bao điện thoại cố định. Giải pháp là triển khai là cấp tên định danh (Voice brandname) các số điện thoại là các số điện thoại đường dây nóng (hotline) được sử dụng để liên lạc trực tiếp với nhân dân cho các Cơ quan nhà nước như Tòa án, Công an, Viện Kiểm sát…

Hiện nay, Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Công an để triển khai cấp tên định danh cho các đầu mối ngành công an. Bên cạnh đó, Bộ TTT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cấp tên định danh cho các số hotline chăm sóc khách hàng của mình.

Các doanh nghiệp viễn thông cố định phối hợp thực hiện biện pháp ngăn chặn các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ số điện thoại cố định. Trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý cũng như chỉ đạo nhà mạng áp dụng công nghệ kỹ thuật, nhằm hạn chế tối đa việc phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ số thuê bao cố định này.

Theo báo cáo của Bộ TT&TT trong 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 1.365.758 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32,7% so với kế hoạch năm (4.171.172 tỷ đồng). Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 32.461 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32% so với kế hoạch năm (101.593 tỷ đồng).

Minh Châu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bo-thong-tin-va-truyen-thong-hop-bao-thuong-ky-thang-52024-711063.html