Bộ Tài chính yêu cầu 'siết' nhập lậu vàng vào Việt Nam

Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế 'mạnh tay' điều tra chống buôn lậu vàng và việc áp dụng hóa đơn điện tử tại các điểm kinh doanh vàng.

Thời gian qua, thị trường vàng, ngoại tệ thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng, giá ngoại tệ trong nước biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

Hiện tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ nổi lên khi giá vàng, tỷ giá ngoại tệ có sự chênh lệch so với các nước trên thế giới. Có thời điểm, giá vàng miếng trong nước (vàng SJC) chênh lệch cao so với giá vàng thế giới.

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính vừa yêu cầu Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế "mạnh tay" điều tra chống buôn lậu vàng và việc áp dụng hóa đơn điện tử tại các điểm kinh doanh vàng.

Theo đó, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã ký ban hành Kế hoạch Kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới.

Số vàng 9999 lậu bị công an bắt giữ.

Số vàng 9999 lậu bị công an bắt giữ.

Tại Kế hoạch, lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện quản lý chặt chẽ địa bàn hoạt động hải quan, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, bình ổn và an toàn thị trường vàng, bảo vệ người tiêu dùng, chống thất thu ngân sách Nhà nước.

Chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới; không để địa bàn quản lý trở thành điểm nóng về các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới.

Quá trình triển khai Kế hoạch phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, không làm ảnh hưởng hoặc cản trở hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa bình thường, đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

Trước đó, Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng.

Từ đầu năm, Chính phủ có nhiều chỉ đạo tăng cường quản lý thị trường vàng nhưng giá mặt hàng này liên tục tăng, chênh lệch cao so với thế giới.

Sau các đợt giá sốt nóng, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng để tăng cung, hạ nhiệt và giảm chênh lệch so với quốc tế. Tuy nhiên, các phiên thầu được đánh giá là chưa thành công, khi lượng cung ứng nhỏ, khoảng 15% tổng mức chào thầu. Giá vàng và mức chênh với thế giới vẫn cao.

Đỉnh điểm ngày 10/5, giá vàng tăng vọt tới 3-4 triệu đồng trong một phiên, lên mức 92,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán, lập kỷ lục. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên đến gần 20 triệu đồng/lượng.

Hiện tại, giá vàng miếng SJC được giao dịch quanh 86-89 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Đáng chú ý, trong bối cảnh giá vàng tăng “nóng”, cung không đủ cầu, tình trạng buôn lậu vàng cũng diễn biến phức tạp hơn. Thậm chí, có ý kiến cho rằng đã hình thành thị trường ngầm về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô lớn, phức tạp và khó kiểm soát. Thị trường ngầm giao dịch này không có sự kiểm soát, thống kê của Nhà nước.

Mặt khác, theo Bộ Công an, buôn lậu vàng làm gia tăng tội phạm, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự, ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ.

Hôm 14/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã họp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan về công tác quản lý thị trường vàng, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải công bố quyết định thanh tra hoạt động kinh doanh vàng trong tuần này.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/bo-tai-chinh-yeu-cau-siet-nhap-lau-vang-vao-viet-nam-1099785.html