Bộ Tài chính tổ chức hội thảo về chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp

Ngày 26/7/2023, tại trụ sở Bộ Tài chính, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) tổ chức hội thảo về dự thảo thông tư hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung và thay thế Thông tư 07

Tại hội thảo, TS. Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán cho biết, Bộ Tài chính đã xây dựng và xin ý kiến về dự thảo thông tư thay thế 3 thông tư (Thông tư số 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp; Thông tư số 108/2018/TT-BTC hướng dẫn kế toán dự trữ quốc gia; Thông tư số 79/2019/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công).

Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán Vũ Đức Chính phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Đức Minh

Theo ông Vũ Đức Chính, trong quá trình dự thảo thông tư, cục đã tổ chức các buổi hội thảo, làm việc trực tiếp với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ Tài chính để thảo luận về các nội dung vướng mắc, yêu cầu quản lý mới cần được nghiên cứu sửa đổi theo Nghị định 60/201/NĐ-CP, các cơ chế tài chính có liên quan, đặc biệt là đáp ứng mô hình tổ chức công tác kế toán trong bối cảnh tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối tại các đơn vị hiện nay.

Các ý kiến đóng góp tập trung làm rõ nhiều vấn đề, nội dung, như: bối cảnh thực hiện Thông tư số 107 có nhiều chính sách thay đổi, cơ chế quản lý của khu vực công (khối đơn vị sự nghiệp công lập), nội dung về quản lý tài sản công, các nội dung khác liên quan tới tài chính - ngân sách,… với những thay đổi nhất định; qua đó tác động rất lớn tới công tác tổ chức kế toán, cũng như hoạt động nghiệp vụ của các đơn vị.

Từ năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1676/QĐ-BTC công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1 và Quyết định số 1366/QQ-BTC công bố 6 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 2, để làm cơ sở xây dựng chế độ kế toán tương ứng. Sau khi chuẩn mực kế toán được ban hành, có nhiều nội dung mà các cơ quan quản lý, đơn vị có ý kiến mong muốn Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi các chế độ kế toán nhằm đảm bảo phù hợp với chuẩn mực kế toán đã ban hành, hướng đến hội nhập quốc tế, làm tốt hơn công tác quản lý tài chính công trong khu vực nhà nước.

Bộ Tài chính nhận thấy có nhiều ý kiến phản ánh về tình hình thực hiện tổ chức bộ máy, tổ chức hoạt động của công tác kế toán tại các đơn vị. Ví dụ như ở các đơn vị trung ương có tổ chức theo hệ thống dọc thì cùng với việc tinh giản bộ máy kế toán, các đơn đơn vị tuyến dưới (tuyến huyện) dần dần không tổ chức bộ máy, tổ chức hoạt động kế toán, mà hình thành lên bộ phận làm công tác kế toán để cung cấp thông tin cho đơn vị kế toán hạch toán và báo cáo. Do vậy, những đơn vị ở trung ương có tổ chức theo hệ thống dọc về cơ bản có những thay đổi nhất định.

Bên cạnh đó, qua công tác quản lý, giám sát và nắm bắt ý kiến phản ánh của các đơn vị địa phương, Bộ Tài chính nhận thức rất nhiều vướng mắc phát sinh. Ví dụ ở tuyến huyện, có rất nhiều đơn vị ở cấp phòng, như trường mầm non mặc dù được giao dự toán nhưng không đủ người làm kế toán, không đủ lực lượng để tổ chức bộ máy kế toán. Chính vì vậy, việc thực hiện công tác kế toán theo Thông tư số 107 rất khó khăn.

Nhiều ý kiến phản ánh về việc ứng dụng công nghệ thông tin. Bộ Tài chính nhận thấy hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp phần mềm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều phần mềm chưa đảm bảo về chất lượng truy cập, chiết xuất báo cáo, lưu trữ và những kỹ thuật sửa chữa trên sổ kế toán dưới dạng hình thức dữ liệu điện tử không chấp hành tuân thủ theo quy định.

"Chính vì vậy, Bộ Tài chính nhận thấy cần thiết phải sửa đổi bổ sung thông tư số 107 để đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý hiện nay cho các đơn vị" - ông Vũ Đức Chính nói.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Minh

Thay thế hướng dẫn chế độ kế toán hàng dự trữ quốc gia

Cũng theo ông Vũ Đức Chính, việc đưa nội dung về kế toán hàng dự trữ quốc gia (DTQG) vào thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 107 nhằm đáp ứng việc ghi chép hạch toán thống nhất giữa các bộ, ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản hàng DTQG, xử lý các vướng mắc phát sinh trong việc hạch toán của các bộ, ngành khi thực hiện công tác kế toán hàng DTQG hiện nay theo quy định tại Thông tư số 108/2018/TT-BTC, như: về mở sổ kế toán, hạch toán riêng nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại đơn vị và nghiệp vụ quản lý hàng DTQG,....

Việc thay thế Thông tư số 79 hướng dẫn kế toán cho ban quản lý dự án (BQLDA) sử dụng vốn đầu tư công, bổ sung quy định về kế toán cho BQLDA vào dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 107 nhằm phù hợp với mô hình hoạt động của BQLDA là đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành tại Điểm c Khoản 2 Điều 21 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng; tránh vướng mắc trong lựa chọn áp dụng chế độ kế toán đối với các BQLDA và các đơn vị có nhiều hoạt động trong đó bao gồm hoạt động quản lý dự án.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi trực tiếp và cho ý kiến về những nội dung dự thảo thông tư, nhằm đảm bảo tính phù hợp và khả thi khi triển khai thực hiện.

Đức Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tai-chinh-to-chuc-hoi-thao-ve-che-do-ke-toan-hanh-chinh-su-nghiep-132759.html