Bộ Tài chính tháo gỡ mọi rào cản hỗ trợ sản xuất kinh doanh

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung tham mưu về chính sách tài khóa cho Chính phủ để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, vừa tập trung vào chính sách tài khóa, vừa tháo gỡ mọi rào cản, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh.

Liên tục rà soát, bãi bỏ những thủ tục không phù hợp

Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong cải cách hành chính, thời gian qua, Bộ Tài chính liên tục rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (TTHC) nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp.

Chính sách tài khóa tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Trong quý I/2024, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện gắn với việc phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Theo đó, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ Tài chính cũng thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.

Nâng cao năng lực của doanh nghiệp cũng chính là nâng cao năng lực cho nền kinh tế

“Chúng tôi liên tục đề xuất với Chính phủ thực hiện chính sách gia hạn, kéo dài giãn, hoãn thời gian nộp thuế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng, nâng cao năng lực của doanh nghiệp cũng chính là nâng cao năng lực cho nền kinh tế, từ đó sẽ góp phần tăng thu ngân sách” - Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Thống kê mới nhất cho thấy, từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/3/2024, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện đánh giá tác động đối với 3 TTHC tại 2 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực giá theo đúng quy định. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở quyết định công bố, Bộ đã thực hiện việc công khai, cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bộ và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện TTHC theo đúng quy định.

Tính ngày 14/3/2024, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 765, trong đó lĩnh vực thuế là 235; lĩnh vực hải quan là 225; lĩnh vực kho bạc nhà nước là 1; lĩnh vực dự trữ là 7; lĩnh vực chứng khoán là 104; lĩnh vực tài chính chung là 183.

Bên cạnh đó, trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC, từ ngày 15/12/2023 đến 14/3/2024, Bộ Tài chính đã bãi bỏ 40 TTHC, sửa đổi, bổ sung, thay thế 26 TTHC và công bố mới 12 TTHC trong các lĩnh vực. Trên cơ sở quyết định công bố, Bộ Tài chính công khai, cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bộ và trụ sở cơ quan theo đúng quy định.

Tháo gỡ mọi rào cản để phát triển

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Bộ Tài chính đã kịp thời xây dựng, ban hành kế hoạch chi tiết để thực hiện với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, theo Nghị quyết của Chính phủ.

Ngành Thuế lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm cải cách.

Về việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã rà soát, đăng tải dữ liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh lên Hệ thống Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh của Văn phòng Chính phủ. Đồng thời, đã xây dựng Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Tài chính.

Về phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được gửi xin ý kiến các bộ, cơ quan có liên quan, hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu các ý kiến tham gia để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Tài chính đang thực hiện rà soát, cập nhật danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh theo yêu cầu tại Công văn số 10458/BKHĐT-ĐKKD của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thời gian qua, bên cạnh việc rà soát, cắt giảm, bãi bỏ các TTHC không cần thiết, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí lệ phí cho doanh nghiệp. Trong năm 2024, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo đó, Bộ sẽ tập trung nỗ lực, quyết liệt thực hiện thành công dự toán ngân sách, tiết kiệm chi, tăng giải ngân vốn đầu tư công, quản lý tài sản công cũng như tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế…, đảm bảo cho chính sách tài khóa được thực hiện minh bạch, hiệu quả.

“Chúng tôi liên tục đề xuất với Chính phủ thực hiện chính sách gia hạn, kéo dài giãn, hoãn thời gian nộp thuế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng, nâng cao năng lực của doanh nghiệp cũng chính là nâng cao năng lực cho nền kinh tế, từ đó sẽ góp phần tăng thu ngân sách” - Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Những chính sách nêu trên đã có "tác dụng kép", giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội…

Các chính sách tài khóa nhân văn ở trong những thời điểm khó khăn được dư luận đánh giá cao. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh nhiều thử thách, Bộ Tài chính đã không ngại nhận khó về mình, đưa ra gói hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất rất lớn, nhưng vẫn triển khai nhiều giải pháp tăng thu ngân sách.

Các chính sách nhằm tăng thu ngân sách nhưng không ảnh hưởng tới doanh nghiệp đã góp phần quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách TTHC theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp

Thời gian qua, Bộ Tài chính đứng đầu các bộ ngành về chuyển đổi số. Để tiếp tục phát huy thế mạnh, Bộ Tài chính đã đưa ra những tầm nhìn, định hướng cụ thể. Đó là chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, giúp người dân, doanh nghiệp. Tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ, toàn diện trong các lĩnh vực như thuế, hải quan kho bạc, chứng khoán, trọng tâm ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tai-chinh-thao-go-moi-rao-can-ho-tro-san-xuat-kinh-doanh-149864.html