Bất chấp khuyến cáo, nông dân 'xé rào' xuống giống vụ Thu Đông

Dự báo hạn, mặn năm 2023-2024 sẽ diễn biến phức tạp, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích trồng lúa ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù ngành chức năng đã khuyến cáo, liên tục tuyên truyền, vận động, nhưng nhiều người dân vẫn 'xé rào' xuống giống vụ lúa Thu Đông 2023 với diện tích khá lớn, ảnh hưởng chung đến lịch thời vụ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, với những diện tích lúa chuẩn bị xuống giống, sau khi thu hoạch xong vụ lúa, nông dân nên vệ sinh đồng ruộng thật kỹ và bón các hoạt chất dinh dưỡng để trả lại chất hữu cơ cho đất. Quan trọng hơn hết, phải bảo đảm thời gian cách ly giữa hai vụ là hơn 20 ngày.

Mặc dù nắm rất rõ quy tắc này, thế nhưng nhiều nông dân ở Bạc Liêu vẫn “phớt lờ” vì chạy theo giá lúa. Để đẩy nhanh quá trình xử lý, cải tạo đất, ngay sau khi thu hoạch lúa Hè Thu, nông dân đã tiến hành đốt rơm rạ. Do lượng nước trên đồng còn khá nhiều, cộng với rơm rạ ướt nên một số hộ đã dùng nhớt cặn để đốt cho nhanh bắt lửa. Và ngay khi vừa cải tạo đất xong thì lúa giống cũng đã được ngâm sẵn để tiến hành gieo sạ. Tính từ ngày cắt đến khi xuống giống chưa đến 10 ngày. Nông dân Nguyễn Văn Bảy, ngụ xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, bộc bạch: "Mấy năm trước giá lúa thấp, chi phí vật tư cao nên nông dân làm lúa chủ yếu lấy công làm lời. Năm nay giá lúa tăng cao, vụ lúa Hè Thu gia đình tôi bán sớm nên không hưởng lợi nhiều. Vì vậy tranh thủ giá lúa còn cao gia đình tôi xuống giống".

 Nông dân tiến hành cải tạo đất chuẩn bị xuống giống vụ lúa Thu Đông.

Nông dân tiến hành cải tạo đất chuẩn bị xuống giống vụ lúa Thu Đông.

Tương tự, triển khai sản xuất nông nghiệp phù hợp công tác phòng, chống và ứng phó hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã có công văn gửi các huyện, thị xã trong vùng Ngọt hóa Gò Công kiên quyết cắt vụ lúa Thu Đông 2023 để tập trung xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2023-2024. Đây được xem là một trong những giải pháp căn cơ để ứng phó với hạn, mặn cho khu vực phía đông của tỉnh trong những năm qua. Tuy nhiên trên thực tế, tại nhiều xã như: Long Bình, Bình Tân, Yên Luông, Thạnh Trị, Đồng Thạnh, Bình Phú, Thành Công (huyện Gò Công Tây); Phước Trung, Tăng Hòa, thị trấn Tân Hòa (huyện Gò Công Đông)…, nông dân đã tranh thủ xuống giống vụ lúa Thu Đông 2023 sau khi thu hoạch xong vụ Hè Thu, không tuân thủ khuyến cáo cắt vụ của tỉnh và địa phương.

Nhiều diện tích xuống giống lúa Thu Đông không theo khuyến cáo.

Nhiều diện tích xuống giống lúa Thu Đông không theo khuyến cáo.

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết: "Đến nay, nông dân đã xuống giống vụ Thu Đông hơn 5.600ha. Ngành nông nghiệp đã tham mưu lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản yêu cầu địa phương nào để nông dân xuống giống vụ lúa Thu Đông 2023 sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Bởi nếu nông dân vẫn gieo sạ vụ lúa Thu Đông thì vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 phải xuống giống vào thời điểm tháng 12-2023 sẽ không bảo đảm cho công tác phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2023-2024".

Tại hội nghị về sơ kết sản xuất trồng trọt Hè Thu, Thu Đông năm 2023; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày 14-9 vừa qua, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo, xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm, một số thời điểm tương đương năm 2015–2016, 2019-2020. Ngoài ra, dòng chảy mùa khô năm 2023-2024 thuộc vào nhóm năm ít nước, diễn biến xâm nhập mặn phức tạp, phụ thuộc vào vận hành của các hồ thủy điện trên lưu vực. Bên cạnh ảnh hưởng của xâm nhập mặn, dự báo tình hình sinh vật gây hại cũng tăng, việc một số hộ dân dùng nhớt cặn để đốt rơm rạ sẽ làm mất chất dinh dưỡng trong đất và nước; cộng với nhiều yếu tố tác động từ thiên tai dễ gây mất năng suất lúa.

Trước hiện tượng El Nino, Cục Trồng trọt cũng đang tính toán mùa vụ hợp lý. Vì thế nông dân cần bình tĩnh thực hiện xuống giống theo khuyến cáo của ngành chức năng để tránh những thiệt hại không đáng có.

Trước hiện tượng El Nino, Cục Trồng trọt cũng đang tính toán mùa vụ hợp lý. Vì thế nông dân cần bình tĩnh thực hiện xuống giống theo khuyến cáo của ngành chức năng để tránh những thiệt hại không đáng có.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: “Mặc dù giá lúa tăng cao trong thời gian gần đây và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng trong những tháng qua, tuy nhiên, người dân cũng cần thực hiện xuống giống theo khuyến cáo của ngành chức năng, không sản xuất tự phát để tránh thiệt hại về cuối vụ. Trước hiện tượng El Nino, Cục Trồng trọt cũng đang tính toán mùa vụ hợp lý. Đồng thời, nông dân không nên thấy giá gạo lên mà vừa cắt lúa xong đã lại xuống giống ngay. Trong khi không biết sắp tới đây nguồn nước ngọt có dẫn đủ không, nước mặn có khả năng xâm nhập…?”.

"Xé rào" xuống giống bất chấp khuyến cáo để rồi lúa chết không vì hạn, mặn hoặc năng suất không cao, thậm chí thua lỗ... là những câu chuyện không mới. Vì thế nông dân cần bình tĩnh thực hiện xuống giống theo khuyến cáo của ngành chức năng để tránh những thiệt hại không đáng có.

Bài và ảnh: THÚY AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bat-chap-khuyen-cao-nong-dan-xe-rao-xuong-giong-vu-thu-dong-743079