Bảo vệ du khách ra sao trước nạn 'chặt chém'?

Không riêng tại Việt Nam, nhiều điểm du lịch trên thế giới cũng đau đầu ứng phó với vấn nạn người bán hàng 'chặt chém' khách du lịch hoặc tình trạng tài xế taxi lừa đảo, tính phí cao hơn thực tế, cố tình đi những tuyến đường dài hơn để thu tiền.

Tại Thái Lan, Cơ quan quản lý đô thị Bangkok (BMA) gần đây phải triệu tập hàng loạt cơ quan liên quan để giải quyết vấn đề du khách nước ngoài bị các tài xế xe tuktuk và taxi săn đón, sau đó ép họ mua hàng hóa, dịch vụ từ các cửa hàng được móc nối từ trước. Du khách nước ngoài bị cả tài xế và chủ cửa hàng tính giá quá cao.

Các vụ việc tương tự về du khách nước ngoài bị lừa đảo bởi taxi giả mạo hoặc tài xế thu tiền cao hơn quy định cũng được báo cáo ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, như Mexico, Singapore, Australia hay châu Âu.

Ảnh minh họa. Nguồn: The Nation Thailand

Báo cáo của Cơ quan Du lịch Hàn Quốc (KTO) cho biết năm 2023, KTO đã nhận 902 đơn khiếu nại, tăng đáng kể so với 288 đơn vào năm 2022. Số lượng khiếu nại cao nhất liên quan đến trải nghiệm mua sắm, bao gồm tăng giá hàng hóa, hoàn thuế cũng như chính sách hoàn tiền, đổi hàng. Dịch vụ taxi là sự bất tiện lớn thứ hai đối với khách nước ngoài đến Hàn Quốc. Các vấn đề bao gồm việc tài xế tính phí quá cao và từ chối bật đồng hồ, hoặc tài xế không lịch sự với khách hàng và cố tình đi những tuyến đường dài hơn để thu tiền nhiều hơn.

Ví dụ một vụ việc tại đảo Jeju gần đây, một tài xế taxi đã bị bắt vì “chặt chém” khách đi xe từ sân bay quốc tế Jeju đến một khách sạn gần bãi biển Hamdeok. Cảnh sát cho biết tài xế taxi đã thu của khách 200.000 won, trong khi chi phí thực tế chỉ là 23.000 won.

Khách du lịch cần được bảo vệ

Chính quyền bang New South Wales (Australia) có nhiều biện pháp cứng rắn để xử lý tài xế lừa đảo du khách, như bố trí cảnh sát mặc thường phục đi taxi và phạt những tài xế không sử dụng đồng hồ tính tiền hoặc tính cước quá cao; và đang nghiên cứu hình thức sa thải tài xế khỏi ngành công nghiệp taxi và các nền tảng chia sẻ xe, chứ không chỉ sa thải khỏi một công ty.

Tương tự tại Hàn Quốc, cơ quan chức năng thành phố Seoul tiến hành kiểm tra tại một số khu chợ thu hút nhiều khách du lịch dưới hình thức "người mua sắm bí mật". Phía KTO cũng tuyên bố sẽ hợp tác với chính quyền địa phương để cải thiện sự thuận tiện cho khách du lịch: “Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra các điểm du lịch lớn để theo dõi tình trạng bán giá 'cắt cổ' tại các lễ hội văn hóa, du lịch. Sẽ có các biện pháp cứng rắn hơn đối với hành vi sai trái của tài xế taxi và cải thiện dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài”.

Chợ Gwangjang ở Seoul (Hàn Quốc) là một trong những địa điểm bị kiểm tra về việc bán hàng cho khách du lịch. Nguồn: Korea Times

Tại Singapore, cơ quan quản lý giao thông đường bộ vận hành một hệ thống trừ điểm vào giấy phép hành nghề của các lái xe. Theo đó những tài xế taxi bị 6 điểm trừ trở lên có thể bị đình chỉ giấy phép hành nghề. Những tài xế taxi vi phạm 21 điểm trở lên có thể bị thu hồi giấy phép hành nghề.

Tại Thái Lan, Cơ quan Quản lý Đô thị Bangkok (BMA) sẽ tăng cường bảo vệ khách nước ngoài khỏi nạn gian lận và lừa đảo. Theo đó, BMA sẽ cấp nhãn dán cho xe tuktuk, taxi và các cửa hàng đồng ý cam kết không tính giá quá cao với khách du lịch. Dựa vào các nhãn dán, du khách có thể tin tưởng các cửa hàng và phương tiện đã được đăng ký với BMA.

BMA cũng phối hợp với nhiều cơ quan khác nhau để giám sát những đối tượng "chặt chém" khách du lịch, trong đó huy động cả người dân, cộng đồng cùng phối hợp, và những kẻ vi phạm sẽ bị bắt và chịu phạt. Các số điện thoại đường dây nóng được công khai để khách nước ngoài tìm kiếm sự giúp đỡ; đồng thời chính quyền thành phố sẽ cung cấp thông tin, đề xuất cho khách du lịch về những địa điểm bán hàng hóa, dịch vụ với giá phải chăng.

Nam Anh/VOV.VN (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/bao-ve-du-khach-ra-sao-truoc-nan-chat-chem-post1094771.vov