Bảo đảm điện mùa nắng nóng

Năm 2024 là năm được ngành điện lực nhận định là phát triển tương đối mạnh mẽ về nhu cầu sử dụng điện của toàn quốc gia, cũng như miền Bắc. Đứng trước nguy cơ nắng nóng đã nhìn thấy từ năm 2023, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 3110 về kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024; trong đó nhận định, tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng nguồn điện toàn nền kinh tế trong năm 2024 lên đến 9,6%/năm.

Thách thức lớn với ngành điện

Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) Nguyễn Quốc Trung cho biết, trong các tháng đầu năm, nhu cầu sử dụng điện của hệ thống điện quốc gia và miền Bắc tăng trưởng khoảng 11%. Dự báo đối với tháng 5, 6, 7 nắng nóng hơn, tốc độ tăng trưởng có thể lên tới 13%. Theo tính toán, nhu cầu sử dụng điện khu vực miền Bắc kể cả sinh hoạt lẫn công nghiệp khoảng 25.000MW, nếu tăng trưởng 10%/năm nghĩa là phải cần 2.500MW - tương đương 1 Nhà máy thủy điện Sơn La nữa đi vào vận hành để đáp ứng nhu cầu phụ tải khu vực. Đây cũng là thách thức đối với ngành điện.

Chia sẻ về các giải pháp bảo đảm cấp điện năm 2024, nhất là trong mùa khô, ông Nguyễn Quốc Trung cho biết: đối với thủy điện, A0 đã có chiến lược tích nước trong các hồ, để dành nước trong các hồ thủy điện, sử dụng vào những lúc cần thiết. Tính đến nay, đã trữ nước trong các hồ thủy điện là 11 tỷ kWh điện. Tuy nhiên, dự báo đến tháng 5, 6, 7 nhu cầu sử dụng điện tăng, nên cần có giải pháp đáp ứng cho phù hợp.

Bên cạnh giữ nước hồ thủy điện, dưới sự chỉ đạo hỗ trợ của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), A0 làm việc với các địa phương tăng cường các biện pháp tiết kiệm nước, vừa cung cấp nước tối đa cho hạ du nhưng cũng bảo đảm nước cho phát điện.

Bảo đảm cung ứng điện trong mùa cao điểm nắng nóng. Ảnh: EVN

Bảo đảm cung ứng điện trong mùa cao điểm nắng nóng. Ảnh: EVN

Đối với các nhiên liệu khác, A0 đã lên kịch bản phát nguồn điện đắt tiền nhất là nhà máy chạy dầu FO, DO. Năm nay, EVN chỉ đưa nguồn năng lượng mới vào vận hành đó là nguồn khí hóa lỏng LNG. Đối với nguồn nhiệt điện than, tua bin khí, EVN cũng như các đơn vị ngoài ngành, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công thương và Cục Điều tiết điện lực đã rà soát, chuẩn bị vật tư dự phòng tận dụng tối đa cả về nhiên liệu than lẫn nhiệm vụ khả dụng của các tổ máy.

Bên cạnh đó, A0 cũng phối hợp tới Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) rà soát các thủy điện nhỏ, để dịch chuyển giờ cao điểm phát đúng giờ khách hàng sử dụng điện nhiều nhất (từ 21h - 23h). Mặc dù công suất nhỏ nhưng tổng công suất của khoảng 300 nhà máy thủy điện nhỏ khu vực miền Bắc cũng lên tới 5.000MW/h. Đồng thời phối hợp, tính toán nhu cầu phụ tải để EVNNPC làm việc với các khách hàng về chương trình điều chỉnh phụ tải, vận động sử dụng điện đúng lúc, đúng chỗ, tiết kiệm điện.

Bên cạnh đó, phối hợp với Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia chuyển tải tối đa lượng điện từ miền Trung ra miền Bắc, trong bối cảnh có 2 đường dây 500kV; tư vấn các nhà máy điện không sửa chữa tổ máy trong tháng 5, 6, 7 này, kể cả ở miền Trung, miền Nam.

Chủ động từ sớm, từ xa

Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, qua báo cáo của A0, tình hình cung cấp điện trong năm 2024, nhất là mùa khô ở miền Bắc được dự báo gặp rất nhiều khó khăn, do không có nhiều nguồn điện bổ sung, diễn biến thời tiết khắc nghiệt, trong khi đó phụ tải tăng trưởng khá cao.

Để đáp ứng nhu cầu điện năng trong năm 2024, căn cứ đề xuất của EVN, Bộ Công Ttương đã phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2024; kế hoạch cung cấp than, khí cho sản xuất; riêng với mùa khô năm 2024, các năm trước không có, nhưng năm nay Bộ Công thương đã phê duyệt kế hoạch cung ứng điện riêng cho các tháng cao điểm mùa khô.

Tại các kế hoạch, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm cung ứng điện. Theo đó, không chỉ Cục Điều tiết điện lực, lãnh đạo của các Cục, Vụ liên quan cũng trực tiếp làm trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình cung ứng điện mùa khô ở các đơn vị phát điện, truyền tải phân phối điện kể cả trong và ngoài EVN.

Ông Nguyễn Thế Hữu chia sẻ, qua làm việc với các đơn vị điện lực, có thể thấy rằng, các đơn vị đã tích cực triển khai giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Công thương. Việc bảo đảm than cho các nhà máy điện trong và ngoài EVN đã được thực hiện tốt; các đơn vị phát điện truyền tải, phân phối điện cũng đã tích cực rà soát thiết bị máy móc, chủ động khắc phục khiếm khuyết khi phát ra, tăng cường kiểm tra hành lang tuyến đường dây để hạn chế thấp nhất các sự cố.

Bên cạnh đó, các đơn vị điện lực cũng nỗ lực đưa các công trình lưới điện vào vận hành theo đúng tiến độ đề ra; các công ty, tổng công ty đều đã chủ động báo cáo với UBND tỉnh, thành phố Trung ương, các Sở Công thương tiếp xúc với khách hàng để triển khai chương trình tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025.

Bạch Hạc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/bao-dam-dien-mua-nang-nong-i368507/