Bảo đảm cấp nước cho phát triển sản xuất công nghiệp

Để bảo đảm nguồn nước cho hoạt động sản xuất công nghiệp, các ngành có liên quan của tỉnh và các đơn vị sản xuất, kinh doanh nước sạch đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục phục vụ các khu công nghiệp.

Công nhân Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật PTSC Thanh Hóa (Khu Kinh tế Nghi Sơn) trong ca sản xuất.

Qua theo dõi của Chi cục Thủy lợi, lúc 7 giờ sáng ngày 24/4, mực nước ở 3 hồ chứa lớn của tỉnh thấp hơn so với mực nước dâng bình thường. Trong đó, hồ chứa nước Cửa Đạt (Thường Xuân) cao trình +87.57m, thấp hơn so với mực nước dâng bình thường 22,43m, thấp hơn so với mực nước cùng kỳ năm 2023 là 0,72m. Hồ Sông Mực (Như Thanh) cao trình +30.10m, thấp hơn so với mực nước dâng bình thường 2,9m, thấp hơn so với mực nước cùng kỳ năm 2023 là 1,82m. Tại hồ Yên Mỹ (Nông Cống) cao trình +16.17m, thấp hơn so với mực nước dâng bình thường 4,19m, thấp hơn so với mực nước cùng kỳ năm 2023 là 0,76m. Để đảm bảo cấp nước thô cho các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Nghi Sơn sản xuất, các nhà máy nước sạch tại hồ Đồng Chùa, nhà máy nước sạch tại hồ Quế Sơn, nhà máy nước sạch tại xã Nguyên Bình, nhà máy xử lý và cung cấp nước sạch Long Hải và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Chu đã lập phương án tích trữ nước trên các hồ và hệ thống kênh dẫn, điều tiết phù hợp với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp. Đồng thời, các đơn vị cấp nước đã chủ động bảo dưỡng đường ống dẫn chính, trạm bơm và các trang thiết bị sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng nước theo hợp đồng của các doanh nghiệp. Ngoài ra, các đơn vị cấp nước còn chủ động dự phòng máy bơm dã chiến, máy nổ và đường ống dẫn để kịp thay thế, cấp nước liên tục 24/24h cho các doanh nghiệp sản xuất không bị gián đoạn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp Lễ Môn, Đình Hương - Tây Bắc Ga, Hoằng Long (TP Thanh Hóa); các khu công nghiệp dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, như Thạch Quảng (Thạch Thành); Ngọc Lặc; Bãi Trành (Như Xuân); Khu Công nghiệp Bỉm Sơn; Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng (Thọ Xuân). Nhu cầu sử dụng nước cho công nghiệp hàng năm khoảng 43 triệu m3 và đến năm 2025 là 168 triệu m3. Tuy nhiên, theo nhận định của Chi cục Thủy lợi, đối với Khu Kinh tế Nghi Sơn thuộc vùng Nam sông Chu (vùng có khả năng thiếu nước cao), với nguồn nước cung cấp phục vụ sản xuất công nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước của các hồ chứa Yên Mỹ, Sông Mực. Hiện đã đầu tư đường ống dẫn nước thô công suất 90.000m3/ngày đêm và 2 hệ thống cấp nước sạch, tổng công suất 120.000m3/ngày đêm phục vụ sản xuất công nghiệp trong Khu Kinh tế Nghi Sơn. Mặc dù vậy, đến nay hồ Yên Mỹ vẫn chưa tích nước được đến cao trình mực nước thiết kế nên chịu ảnh hưởng của việc thiếu nước càng lớn. Đối với các khu công nghiệp thuộc vùng Nam sông Chu, Bắc sông Mã và vùng hạ du sông Bưởi lấy nguồn nước từ sông Lèn, sông Mã, sông Bưởi... như: Khu công nghiệp Bỉm Sơn, Khu Công nghiệp Thạch Quảng, Khu Công nghiệp Lễ Môn, Khu Công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga... cũng là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa Nguyễn Thị Anh Nga, để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp, các nhà máy thủy điện, đơn vị khai thác các công trình thủy lợi có biện pháp điều hòa, bổ sung nguồn nước giữa các công trình, các hệ thống công trình có liên quan như bổ sung nguồn nước tưới giữa hệ thống Bái Thượng về hệ thống Sông Mực qua kênh N8, sử dụng trạm bơm tưới Trường Minh để tưới cho vùng đuôi kênh Nam hồ Sông Mực, dành nước hồ Sông Mực để cấp cho Khu Kinh tế Nghi Sơn. Về lâu dài cần đầu tư xây dựng mới các công trình hồ, đập ở khu vực miền núi theo quy hoạch để tăng khả năng trữ nước, khai thác nước phục vụ sản xuất; xây dựng các hồ điều hòa khu vực thấp trũng vừa làm nhiệm vụ trữ nước, vừa tiêu thoát nước, đảm bảo an ninh nguồn nước. Đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, đánh giá thực trạng hoạt động công trình thủy lợi và khai thác, sử dụng nước khác, ưu tiên những khu vực đang và có nguy cơ thiếu nước, những khu vực có nhu cầu khai thác nước tăng mạnh. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, HTX, doanh nghiệp trực tiếp tham gia quản lý, cung cấp dịch vụ dùng nước thực hiện tốt các giải pháp quản lý và sử dụng nước.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-dam-cap-nuoc-cho-phat-trien-san-xuat-cong-nghiep-213287.htm