Bài cuối: Giải pháp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Hà Nội là mảnh đất nghìn năm văn hiến, trên mỗi con đường, tuyến phố đều in đậm những dấu tích của lịch sử; vì vậy việc tìm lời giải đối với bài toán bảo tồn và phát triển luôn khó khăn.

Theo các chuyên gia, lời giải cặn kẽ cho bài toán này cần phải hài hòa các yếu tố trong quy hoạch, pháp luật và cả trong dư luận.

Bài toán khó

Công tác bảo tồn và phát triển luôn là bài toán khó, không riêng với Hà Nội mà ở các địa phương, các quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, bài toán đó đặc biệt khó với Hà Nội, vùng đất của những giá trị di sản. Điều đầu tiên là bởi Thủ đô khác với các TP khác về yếu tố văn hóa, cảnh quan, nét kiến trúc đặc biệt, hài hòa pha trộn giữa cái mới và cái cũ, giữa hiện đại và cổ kính. Muốn giải bài toán khó này, với bất kỳ công việc gì định triển khai, không chỉ là câu chuyện ở 61 Trần Phú (khu vực có bức phù điêu “Quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ”) mà ở mọi nơi, nhất là trong khu vực nội đô đều phải tính toán thật kỹ.

Theo TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Luật Di sản văn hóa đã quy định rõ đối với khu vực 1, 2, khu vực bên cạnh những di tích, di sản có giá trị phải tuân thủ những nguyên tắc nào rồi. Thế nhưng có nhiều nơi chưa được xếp hạng, như 61 Trần Phú, không có trong danh mục bảo tồn. Tuy nhiên, đó cũng là công trình kiến trúc có tuổi đời hàng trăm năm. Trong khu vực nội đô bây giờ, xây dựng nhà cao tầng phải rất cân nhắc, không chỉ vì mục đích kinh tế.

Bức phù điêu “Quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ” tại công trình số 61 Trần Phú. Ảnh: Lam Thanh

Bức phù điêu “Quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ” tại công trình số 61 Trần Phú. Ảnh: Lam Thanh

Ở góc độ bảo tồn di sản văn hóa, PGS.TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) cho biết: lâu nay, trong giới nghiên cứu vẫn còn tồn tại các luồng ý kiến trái chiều là bảo tồn để phát triển hay phát triển để bảo tồn? Phát triển trước hay bảo tồn là tiền đề cho phát triển? Tuy nhiên, thực tế cho thấy phát triển bao giờ cũng phải dựa trên cơ sở khai thác và sử dụng hợp lý các loại tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn… Đây là 2 loại tài nguyên có đặc trưng là tính giới hạn, không thể tái sinh/tái tạo, nếu không được khai thác hợp lý có khả năng sẽ bị cạn kiệt hoặc suy thoái nghiêm trọng.

Vậy, muốn phát triển bền vững phải bảo tồn tài nguyên (thiên nhiên và nhân văn), bảo tồn phải đi trước một bước hoặc chí ít cũng song song với phát triển. Do đó, xu hướng chung sẽ là “Bảo tồn để phát triển” hay “Bảo tồn phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển”.

PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định: “Chúng ta không thể hy sinh môi trường (tài nguyên thiên nhiên) và di sản văn hóa vì các mục tiêu phát triển kinh tế ngắn hạn. Ngược lại, phải ưu tiên bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa (trong đó có di sản văn hóa) vì mục tiêu phát triển bền vững hay sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”.

Tìm lời giải

Đối với bài toán bảo tồn và phát triển đang đặt ra một cách gay gắt ở Hà Nội, theo các chuyên gia, cần phải tham vấn ý kiến cộng đồng, đặc biệt là tham vấn ý kiến chuyên gia trước khi quyết định, không nên để sự đã rồi, dỡ ra rồi lại phải dừng lại, thậm chí xây dựng rồi lại phải đập đi. Bài toán khó này muốn cặn kẽ phải tìm lời giải nằm trong quy hoạch, trong luật định và trong dư luận; một cách ứng xử phù hợp và đúng đắn cần phải giải quyết được tổng thể những điều đó.

“Đừng làm gì vội vàng mà hãy công khai, minh bạch thông tin để người dân, các chuyên gia góp ý rộng rãi. Khi đạt được ý kiến đồng thuận thì triển khai, nếu thiếu đồng thuận do nhận thức chưa đúng thì cơ quan chức năng phải giải thích cho đến khi đạt được đồng thuận. Sự đồng thuận khi triển khai bất kỳ một sự xê dịch nào trong nội đô vô cùng cần thiết” - TS Nguyễn Viết Chức chia sẻ.

Không riêng gì ở Hà Nội, nhiều địa phương cũng đang phải chứng kiến nhiều sự thay thế đáng tiếc giữa di sản kiến trúc đô thị với các công trình mới. Nhà máy dệt Nam Định - Nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương một thời đã bị phá bỏ để thay thế bằng một khu đô thị mới.

Các chuyên gia cho rằng, điều đáng nói là quan niệm về vùng lõi đô thị nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa vẫn chỉ là vùng “đất vàng”, xét về mặt kinh tế, chưa được chính quyền quan niệm là “vùng di sản”. Xuất phát từ những suy nghĩ như thế nên tình trạng xâm hại di sản vẫn diễn ra dai dẳng và càng thêm trầm trọng hiện nay.

Theo các kiến trúc sư, không chỉ trong nước, vấn đề giằng co giữa bảo tồn, phát triển di sản văn hóa cũng là bài toán đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trường hợp của Imperial Hotel Tokyo (1922 - 1967) tại Nhật Bản là một ví dụ nổi bật nhất về cách làm thiển cận này đối với một trong những di sản bậc nhất của Frank Lloyd Wright.

Khi công trình kiến trúc có nhiều nguy cơ bị hư hại hoặc sụp đổ thì cũng chính những người sử dụng và người quản lý lại thường chọn cách ứng xử tùy tiện bằng những biện pháp thiếu tính chuyên nghiệp. Chính những hiểu biết về kỹ - mỹ thuật trong công tác trùng tu, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo còn quá lệch lạc dẫn đến việc “trẻ hóa di tích” như sự việc tại chùa Trăm Gian (Hà Nội).

Trường hợp của Biệt thự trên thác - Falling Water (Mỹ) có doanh thu gấp 20 lần so với số vốn dùng cho việc tu bổ, bảo quản… là những kinh nghiệm trực tiếp đáng học hỏi nhất. Sự thành công trong việc bảo tồn khu phố cổ Hội An được ghi nhận chắc chắn không nhờ vào những ưu thế về tài chính, về kỹ thuật bảo tồn mà nhờ vào sự chỉ đạo, lãnh đạo sáng suốt của chính quyền địa phương.

Vấn đề bảo tồn, gìn giữ di sản đô thị, trong đó có các bức phù điêu luôn thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà quản lý, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử... và ngay cả cộng đồng dân cư cũng không chấp nhận việc đứng ngoài cuộc, bởi với họ, đô thị còn cất giữ cho họ những năm tháng thanh xuân, chứng kiến sự khôn lớn, trưởng thành của mỗi người.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia bày tỏ suy nghĩ, để giữ lại những ký ức cho đô thị, rất cần sự lắng nghe. Lắng nghe từ các cơ quan chức năng có liên quan, lắng nghe từ giới chuyên môn, và người dân. Bởi ký ức đô thị là ký ức của cả cộng đồng, là tài sản của cả cộng đồng, vậy nên mọi sự can thiệp cần phải trên cơ sở lắng nghe, từ đó điều chỉnh hài hòa mọi nhu cầu, lợi ích, để tìm ra giải pháp tối ưu, đó mới là con đường của sự phát triển bền vững.

Hà Nội có giá trị cổ kính, đẹp đẽ, rõ ràng không phải cái gì cổ cũng nên giữ lại, rất khó cho sự phát triển. Nhưng bỏ đi thì lại càng phải tính toán kỹ hơn, bất cứ những suy nghĩ, sáng tạo nào vì Thủ đô nào cũng rất cần trân trọng. Chỉ có điều, ở mọi góc độ thì sự ứng xử đều cần hợp lý, vừa tạo ra động lực thúc đẩy phát triển, vừa bảo tồn được những giá trị đặc sắc của Thủ đô.

Đô thị hóa là quá trình tất yếu và khách quan, song để phát triển bền vững không thể không quan tâm đến một trong các yêu cầu quan trọng là lấy văn hóa, văn minh đô thị và tạo lập bản sắc làm nền tảng phát triển đô thị. Mục tiêu này được thể hiện rõ nét trong quy hoạch là bước đi đầu là định hướng - công cụ quản lý phát triển.

Trong quy hoạch đô thị nói chung và nói riêng về quy hoạch Thủ đô - đô thị lịch sử luôn chú trọng đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị trong đó có di sản vật thể. Qua hệ thống quy hoạch đã ban hành từ 1954 đến nay, từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đều sẽ đề cập đến yêu cầu về di sản vật thể.

Giai đoạn tới, Quy hoạch Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2045, để xây dựng Thủ đô “Văn hiến -Văn minh - Hiện đại” đã đề cập đến phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô cần chú trọng đến bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, trong đó có di sản vật thể.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Quang Huy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-cuoi-giai-phap-hai-hoa-giua-bao-ton-va-phat-trien.html