Bài 4: Đi nghe tuyên truyền có quà mang về

Câu chuyện thú vị này vừa diễn ra tại TP.Thủ Đức (TPHCM), 200 người dân phấn khởi khi được tặng những món quà đầy ý nghĩa. Sáng kiến tổ chức tuyên truyền kết hợp tặng quà Tết của Hội LHPNVN TP.Thủ Đức thành công ngoài mong đợi. Quần chúng nhân dân tham dự được tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích, nhận biết hành vi, thủ đoạn gây án của các loại tội phạm thường sử dụng trong thời điểm gần Tết Nguyên đán.

Buổi họp "hai trong một"

Bà Trần Thị Đoan Trang - Phó chủ tịch Hội LHPNVN TP.Thủ Đức chia sẻ: "Chúng tôi vừa hoàn thành tháng cao điểm hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023. Từ nay đến Tết, các cấp hội sẽ tập trung nhiều hơn cho công tác bảo đảm an toàn cho nhân dân yên tâm đón năm mới, đi đôi với chăm lo, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn". Kết quả trong một tháng cao điểm, Hội LHPN của 34 phường đã tổ chức 116 buổi sinh hoạt tập trung, thu hút hơn 95.000 người dân và học sinh tham dự.

Đại diện đơn vị đồng hành với chương trình này, ông Trần Văn Bắc - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nanovi Việt Nam tâm sự: "Chúng tôi rất vui khi được chung sức với Hội LHPNVN TP.Thủ Đức, thông qua hoạt động "Sữa yêu thương - Vì sức khỏe cộng đồng", công ty tặng mỗi hội viên phụ nữ đến dự một hộp sữa dinh dưỡng, với mong muốn góp phần cải thiện sức khỏe cho chị em".

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay sau khi CATP tổ chức ra quân thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT dịp Tết Nguyên đán, hàng loạt những hoạt động thiết thực phục vụ công tác phòng ngừa được các ban ngành, đoàn thể phối hợp đẩy mạnh. Trong đó, việc tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho người dân được tiến hành rộng khắp ở các khu dân cư, doanh nghiệp, trường học. Trang bị những kiến thức cơ bản, kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ khi xảy ra các vụ việc liên quan đến ANTT, được cán bộ truyền đạt khá chi tiết.

Người dân cùng với hội viên phụ nữ ở TP.Thủ Đức phấn khởi khi được nghe tuyên truyền và tặng quà

Người dân cùng với hội viên phụ nữ ở TP.Thủ Đức phấn khởi khi được nghe tuyên truyền và tặng quà

Một trong những dẫn chứng mới nhất, giúp quần chúng dễ dàng nắm bắt phương thức gây án của đối tượng, chính là vụ việc một băng trộm "nhí” vừa bị CATP Thủ Đức bắt giữ. Trong đó có thành viên mới 14 tuổi, chuyên nhắm mục tiêu vào các cửa hàng tiện lợi ban đêm không người trông coi, thực hiện hành vi bẻ khóa, đột nhập lấy trộm tài sản. Giới thiệu các vụ án nổi cộm để từ đó khuyến cáo nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, là nội dung quan trọng và không thể thiếu trong những buổi tuyên truyền.

Công việc thường ngày vốn đã tất bật, thời điểm cận Tết lại càng bận rộn hơn. Làm ra đồng tiền thật khó, vậy nên đi đôi với tạo ra của cải, vật chất, còn rất cần phải chú trọng "phòng gian bảo mật", giữ gìn thành quả lao động.

Phòng trộm hơn chống trộm

Những tháng gần Tết cũng là cao điểm các cơ quan báo chí, ngành chức năng phổ biến với tần suất dày hơn, vô số nội dung xoay quanh việc đề cao cảnh giác. Phương châm "phòng hơn chống" luôn được đề cao. Nhiều biện pháp đơn giản song khá hiệu quả, giúp ích cho cộng đồng nhận biết thủ đoạn gây án, kỹ năng tự bảo vệ tài sản, đã chứng minh tác dụng cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội. Chủ động ứng phó luôn được khuyến khích thay vì chờ đến khi "mất bò mới lo làm chuồng".

Xe gắn máy, nữ trang, điện thoại thông minh nằm trong số những tài sản hay được kẻ gian "quan tâm" nhất. Dẫu vậy, khâu phòng bị cũng không hề khó. Chiếc xe được "cộng thêm" ổ khóa an toàn, mặc trang phục kín đáo "che khuất" tầm nhìn với sợi dây chuyền đắt tiền, chú ý quan sát khi bất đắc dĩ phải sử dụng điện thoại ngoài đường, là những điều hầu như ai cũng áp dụng được.

Rất đáng khen khi nhiều đơn vị công an, chi nhánh ngân hàng, tiệm vàng đã phối hợp ngăn chặn kịp thời, giúp người dân tránh được bẫy lừa đảo qua điện thoại. Cụ thể, nhận thấy khách hàng đến giao dịch, chuyển tiền có biểu hiện mất bình tĩnh, các nhân viên phụ trách đã khéo léo tìm hiểu. Nhờ đó, biết được nguyên nhân sự việc và bảo vệ "thượng đế” thoát khỏi cú lừa ở "phút 90".

Hơn 15 năm nay, địa chỉ 63 Man Thiện (P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức) là nơi người nghèo nhận cơm miễn phí vào các buổi trưa thứ ba, năm, bảy hàng tuần

Hơn 15 năm nay, địa chỉ 63 Man Thiện (P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức) là nơi người nghèo nhận cơm miễn phí vào các buổi trưa thứ ba, năm, bảy hàng tuần

Thở phào mỗi khi đọc thông tin về pháo lậu, pháo nổ bị phát hiện bắt giữ. Chưa nói đến đưa ra tiêu thụ trên thị trường, chỉ riêng chuyện tàng trữ, vận chuyển trên đường cũng không khác gì "bom nổ chậm". Chung tay ngăn ngừa "thần chết" loại này cần đến sự tích cực tố giác của cộng đồng. Với những hiểm họa liên quan trực tiếp với mạng sống của nhiều người, không thể thụ động và phó thác theo quan niệm "trời kêu ai nấy dạ”.

Đoàn kết, quan tâm giữ gìn sự an toàn cho bản thân và láng giềng đóng vai trò quan trọng. Nhiều "đạo chích" đã thất vọng, phải từ bỏ ý đồ khi gặp "hệ thống phòng ngự" quá chặt chẽ ở khu dân cư, mà mỗi lần có người lạ đến, luôn được nhiều cư dân nhiệt tình "hỏi thăm", hướng dẫn tìm địa chỉ nếu cần. Rõ ràng kẻ gian thường có tật giật mình, ý thức đề phòng của quần chúng sẽ làm nản lòng những vị khách "không mời mà đến".

Ban Thanh niên CATP, Công an các địa phương liên tục "xuất bản", phát hành rộng rãi trên mạng xã hội nhiều tài liệu tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác. Hiệu quả mang lại thật vô giá. Anh Huỳnh Đỗ Mừng, 29 tuổi, quê Quảng Ngãi, tạm trú đường Đỗ Xuân Hợp, TP.Thủ Đức vui vẻ kể với phóng viên: "Tôi mở tiệm thuốc tây có hai nữ nhân viên bán hàng. Mới đây, một nhóm người mặc trang phục giống nhân viên y tế, đến yêu cầu đóng tiền quỹ phòng chống dịch sốt xuất huyết. Nhờ được CAP Phước Long B phổ biến thường xuyên nên đã không bị mắc bẫy".

Khởi động chương trình an sinh xã hội

Nhờ có sự chủ động từ trước, nhiều chương trình an sinh xã hội (ASXH) đã sớm được "kích hoạt" khởi động, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Những "chuyến xe mùa xuân", "tấm vé nghĩa tình", "chuyến tàu 0 đồng", đã sẵn sàng đưa đón người lao động từ TPHCM về quê đón Tết. Doanh nghiệp dù đang rất eo hẹp nguồn kinh phí, vẫn lên kế hoạch thưởng Tết, chung tay với công nhân vượt qua cơn ngặt nghèo. Tại nhiều quận, huyện vào dịp cuối tuần, những "gian hàng 0 đồng", "mua sắm miễn phí” hoạt động. Nhờ sự góp sức của các nhà hảo tâm, người dân bị mất việc tạm thời hoặc lâu dài vẫn được nhận nhu yếu phẩm. Tình người sẻ chia đã làm vơi đi nỗi lo cơm áo gạo tiền, ở những phận đời cơ nhỡ.

Trung tâm Công tác xã hội Công đoàn (thuộc LĐLĐ TPHCM) đang phối hợp với LĐLĐ TP.Thủ Đức, tổ chức chương trình đi bộ đồng hành "Vì sức khỏe người lao động" lần thứ nhất năm 2024, với chủ đề "Triệu bước chân, một tấm lòng". Dự kiến sẽ diễn ra tại TP.Thủ Đức vào sáng 07/01/2024, với khoảng 10.000 người tham gia. Mục tiêu không gì khác hơn việc chăm lo cho đoàn viên Công đoàn, người lao động đang gặp khó khăn. Hình thức và cách thức có thể khác nhau, nhưng ý nghĩa nhân văn thì luôn đồng nhất.

Lặng lẽ tan chảy trong hàng vạn ân tình trao đi, không bao giờ thiếu những chủ nhà trọ tốt bụng. Nhiều chủ kinh doanh phòng cho thuê đã cưu mang người tạm trú như tình ruột thịt. Từ giảm giá phòng, cho "trả góp" tiền thuê hàng tháng đến miễn phí có thời hạn những trường hợp đặc biệt, đều không hiếm gặp. Bà Nguyễn Thị Tuyết Thương (48 tuổi), chủ dãy phòng trọ gần đường Võ Nguyên Giáp là một trong những tấm lòng thơm thảo ấy. Không chỉ vậy, với người dân ở lại đón Tết, bà Thương "bao" cơm cho đến lúc đi làm. Mỗi khi đến ngày 01/6, Tết Trung thu, bà còn họp mặt tặng quà cho trẻ em ở trọ, hỗ trợ tiền mua xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học.

Trái tim nhân hậu của cán bộ và người dân địa phương đã khiến chị Lê Thị Phương Thảo (39 tuổi, quê Cà Mau), bán vé số dạo cảm động: "Chúng tôi sống xa quê nhưng không bao giờ đơn độc. Chủ nhà trọ xem người thuê phòng ở như người nhà. Các anh chị ở phường và khu phố thường xuyên hỏi han, tâm sự và giải đáp những vấn đề chúng tôi chưa rõ. Vậy nên có nhiều người đã hơn 10 năm qua, chỉ tạm trú tại một phòng trọ”.

Xem nơi đang tạm trú, làm việc là quê hương thứ hai trở nên khá phổ biến với người lao động đến từ các tỉnh thành khác. Có người nhiều năm ở lại phòng trọ đón Tết và cảm nhận được tình cảm của nhân dân, cùng với cán bộ địa phương dành cho mình. Giữa người thường trú và tạm trú đã từ lâu không tồn tại khoảng cách.

Những hoạt động mang đầy ý nghĩa nhân văn, đã làm ấm lòng bao phận người đáng thương. Nhân dân biết ơn chính quyền, dĩ nhiên thành quả mang lại lớn hơn gấp nhiều lần, không thể đo đếm hết.

Năm hết tết đến, ai cũng bận rộn với công việc làm ăn, mong kiếm thêm được chút ít lo cho gia đình những ngày xuân. Dù ở đâu cũng luôn có những "công bộc" tận tụy, cần mẫn đồng hành, sẵn sàng giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho quần chúng. Quản lý tốt địa bàn, giữ cho tình hình ANTT ổn định, đồng thời cũng luôn chăm lo ASXH, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với chính quyền cơ sở. Họ chính là những "đầy tớ" thật trung thành của nhân dân.

AN HÒA - THANH BÌNH

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/bai-4-di-nghe-tuyen-truyen-co-qua-mang-ve_157037.html