Bài 3: Quay đầu... thấy bờ bến rộng

Quyết định 22 là một mũi tên trúng nhiều đích, vừa bảo đảm tính nhân văn, vừa bảo đảm an ninh trật tự, góp phần thay đổi nhận thức, sự kỳ thị của xã hội và cũng là cơ hội tốt để người mãn hạn tù không còn tự ti. Quan trọng hơn, Quyết định 22 đi vào cuộc sống đã làm lay động trái tim những người từng lầm lỡ; thức tỉnh bản tính lương thiện, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội...

Vượt qua chính mình

Bước vào căn nhà 5 gian, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước cơ ngơi của vợ chồng anh Nguyễn Văn Long và chị Vũ Thị Yến ở Bình Giang, Hải Dương. Nếu không có sự giới thiệu của Thiếu tá Lê Xuân Thành - Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Bình Giang, chúng tôi không nghĩ đây là cơ ngơi của một người đã từng một thời lầm lỡ.

Nhắc lại câu chuyện cũ, giọng anh Long chợt chùng xuống, anh kể: "sau khi tôi bị bắt giữ, mọi gánh nặng gia đình đều dồn lên đôi vai gầy của người vợ. Trong khi đồng lương giáo viên mầm non vô cùng eo hẹp… Những ngày phải trả giá cho sự sốc nổi của mình, tôi vô cùng ân hận. Tôi quyết tâm phải làm lại cuộc đời".

Tuy nhiên, khi trở lại với cuộc sống, anh Long cũng phải đối mặt với thực tại vô cùng tàn khốc. Không đồng vốn trong tay, không bằng cấp... Vào những lúc tưởng như vô vọng ấy, sự đồng hành của người vợ, sự giúp đỡ của người thân và lực lượng công an cơ sở đã giúp anh Long dần lấy lại tự tin trong cuộc sống. "Lúc đó, bố mẹ vợ đã đứng ra bảo lãnh, giúp vợ chồng tôi vay được 300 triệu đồng. Có số tiền này, chúng tôi góp vốn với anh em trong nhà mua một chiếc máy xúc, tiến hành tháo dỡ các công trình", anh Long chia sẻ.

Dần dà, từ một chiếc máy xúc ban đầu góp vốn, đến thời điểm này, vợ chồng anh Long đã sở hữu 4 chiếc máy xúc. Việc làm ăn thuận lợi, anh còn giúp tạo việc làm cho nhiều người lao động ở trong và ngoài xã.

"Đợt triển khai Quyết định 22 vừa qua, tôi may mắn đủ điều kiện để vay vốn. Khoản vay này sẽ giúp chúng tôi mở rộng việc kinh doanh. Chắc chắn tôi sẽ không làm mọi người thất vọng" - anh Long khẳng định.

Người dân xã Hồng Lâm, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã quen với hình ảnh anh Hà Việt Thương sáng chiều cần mẫn trên đường rừng, bất kể ngày nắng, ngày mưa. "Với tôi, nguồn vốn chính sách xã hội 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện không đơn giản là sự hỗ trợ về tài chính mà trên hết là sự quan tâm, tin tưởng để tôi có thêm nghị lực tìm lại cuộc sống bình yên" - anh Hà Việt Thương tâm sự.

Anh Nguyễn Văn Long chia sẻ về câu chuyện cuộc đời mình. Ảnh: X. Mai

Anh Nguyễn Văn Long chia sẻ về câu chuyện cuộc đời mình. Ảnh: X. Mai

Hiện nay, với số vốn hỗ trợ trên, anh Hà Việt Thương đã đầu tư trồng 3.000 gốc quế và vườn keo. Cuộc sống đã dần đi vào ổn định. Đặc biệt, dưới sự động viên của chính quyền, gia đình và bà con hàng xóm anh Thương đã dần cởi mở và đang từng ngày, từng giờ nỗ lực lao động, chăm sóc rừng, mong đáp lại sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội dành cho bản thân.

Còn với anh Nguyễn Văn Quyết, tổ 16, phường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang, khi mới trở về, từng lo lắng vì chưa biết làm gì. Được vay 100 triệu đồng vốn chính sách, anh đầu tư lại toàn bộ cửa hàng tạp hóa. Anh Quyết chia sẻ, anh chỉ muốn quên đi những gì từng diễn ra và bỏ rượu, chăm chỉ và chí thú làm ăn. Với anh bây giờ, gia đình là trên hết và nhiệm vụ lớn nhất là tập trung làm ăn để lo cho các con học hành. "Mỗi ngày, doanh thu từ cửa hàng tạp hóa cũng được gần 2 triệu đồng, vợ chồng tôi mãn nguyện lắm rồi..." - anh Nguyễn Văn Quyết bày tỏ.

Để Quyết định 22 phát huy cao nhất

Chia sẻ về ý nghĩa nhân văn của Quyết định 22, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho hay, việc giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho người chấp hành xong án phạt tù không chỉ giúp họ có điều kiện phát huy được năng lực lao động, tăng thu nhập và cải thiện đời sống, mà còn góp phần vào phòng ngừa tội phạm và duy trì an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Từ góc độ người dân, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, Quyết định 22 là một mũi tên trúng nhiều đích, vừa bảo đảm tính nhân văn, vừa bảo đảm an ninh trật tự, thay đổi nhận thức, sự kỳ thị của xã hội và cũng là cơ hội rất tốt để người mãn hạn tù không còn tự ti. Kịp thời hỗ trợ người mãn hạn tù và doanh nghiệp sử dụng người mãn hạn tù, tận dụng tối đa nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh hiện nay.

Ông Lê Quang Trung cho biết, rất vui khi thấy cả hệ thống chính trị ráo riết vào cuộc triển khai Quyết định. Thực tế, việc giúp đỡ người mãn hạn tù hoàn lương đã được Đảng, Nhà nước quan tâm từ lâu. Đơn cử, từ tháng 12.2016, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đã ban hành Thông tư 44 để hướng dẫn Nghị định 80/2011 về tái hòa nhập cộng đồng với người mãn hạn tù. Thông tư này đã có quy định về tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, cho vay vốn, cũng đã được nhiều địa phương triển khai thực hiện. Nhiều địa phương đã triển khai các quỹ để tư vấn, hỗ trợ, cho vay vốn, tạo việc làm. Các quỹ hoàn lương, quỹ doanh nhân với an ninh trật tự, hay quỹ tái hòa nhập cộng đồng cũng đem lại những kết quả rất đáng khích lệ, số người tái phạm hạn chế rất nhiều so với những nơi không có quỹ.

Đến nay, Quyết định 22 ra đời mang tính bao trùm và sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho những người vừa chấp hành xong án phạt tù. Tuy nhiên, để Quyết định 22 phát huy hết tính nhân văn và hiệu quả, các địa phương cần tập trung nâng cao nhận thức, trước hết là cán bộ ở các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã, cán bộ của các tổ chức chính trị, xã hội; tạo ra nhận thức đầy đủ đối với người thực hiện xong án phạt tù để họ có cơ hội có việc làm, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của chính sách này. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, tạo cho cộng đồng có cách nhìn mới, tin tưởng hơn vào những người đã chấp hành xong án phạt tù, tránh kỳ thị, để họ tự khẳng định mình trong cộng đồng dân cư.

Cùng với đó, các địa phương cần có kế hoạch phối hợp để nắm chắc những người chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù, họ còn thiếu gì để hỗ trợ, để họ sớm có việc làm, ổn định cuộc sống. "Tôi muốn đề xuất theo hướng 5 hỗ trợ: định hướng việc làm; hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong quá trình họ sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ về vốn làm sao đúng tiến độ, kịp thời; hỗ trợ thị trường tiêu thụ nếu họ tự sản xuất, kinh doanh; quản trị tài chính vĩ mô, sử dụng nguồn vốn vay sao cho hiệu quả, hợp lý..." - ông Lê Quang Trung nói.

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bai-3-quay-dau-thay-bo-ben-rong-i364838/