Áp lực không thể mặc một chiếc váy hai lần của Gen Z

Alessia Teresko, sinh viên 21 tuổi ở Nottingham (Anh), có 'tủ quần áo online' khổng lồ và không bao giờ để bản thân mặc trùng đồ trên mạng xã hội, theo The Guardian.

Tháng trước, dịp sinh nhật của một người bạn, Teresko đã phải mua một chiếc váy mới giá 28 bảng Anh (38 USD). Trên Instagram cá nhân, cô khoe ảnh chụp trong chiếc váy mới với chú thích: "Những người bạn cuối tuần".

Khi bài đăng này thu hút 296 lượt thích, Teresko ném chiếc váy vào "tủ quần áo online" khổng lồ của cô, nơi nữ sinh viên rao bán những bộ quần áo mình không còn dùng đến nữa.

"Tôi không thể chụp thêm một bức ảnh nào với chiếc váy ấy nữa. Tôi biết điều này nghe rất nông cạn", Teresko nói.

Alessia Teresko không mặc trùng quần áo trên mạng xã hội. Ảnh: alessia.teresko.

Mikaela Loach, sinh viên 23 tuổi ở Edinburgh (Scotland) đồng thời là nhà hoạt động về khí hậu, hoàn toàn hiểu áp lực của Teresko.

"Thành thật mà nói, dù là một người có tìm hiểu về vấn đề khí hậu, môi trường, ngay cả tôi cũng cảm thấy áp lực khi phải mặc những bộ quần áo khác nhau trên mạng", Loach nói.

Cô giải quyết vấn đề của mình bằng cách mua đồ cũ. Chỉ khi không tìm được quần áo cũ phù hợp nhu cầu, Loach mới chi tiền mua đồ mới.

Sự mâu thuẫn của Gen Z

Chỉ chênh nhau hai tuổi, sống cách nhau vài trăm dặm nhưng Loach và Teresko có quan điểm đối lập về thời trang và sự bền vững.

Họ đại diện cho hai trường phái khác nhau của Gen Z (thuật ngữ dùng để chỉ những người sinh từ 1997 đến 2012), thế hệ được coi là tiến bộ về mặt xã hội và có ý thức về môi trường, nhưng cũng là những người tiêu dùng trung thành của thời trang nhanh, một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất thế giới.

Một cuộc khảo sát của Vogue Business năm 2020 với 105 người thuộc thế hệ Z cho thấy hơn một nửa mua hầu hết quần áo của họ từ các thương hiệu thời trang nhanh.

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Mintel cũng cho thấy Gen Z tiêu nhiều tiền cho mua sắm hơn các thế hệ trước. 64% thanh niên Anh từ 16 đến 19 tuổi thừa nhận mình mua nhưng không mặc nhiều loại quần áo. Tỷ lệ này ở thế hệ trước là 44%.

Gen Z vừa là thế hệ đi đầu trong bảo vệ môi trường nhưng cũng là khách hàng chính của thời trang nhanh. Ảnh minh họa: Volanthevist.

Tuy vậy, chính Gen Z lại là những người quan tâm nhiều hơn đến tác động môi trường khi mua sắm. 70% thanh niên 16-19 tuổi đồng ý rằng tính bền vững là một yếu tố quan trọng khi mua các mặt hàng thời trang. Chỉ 20% những người từ 65 đến 74 tuổi có cùng quan điểm này.

Ngoài những con số, sự mâu thuẫn của Gen Z trong vấn đề thời trang và sự bền vững còn thể hiện qua các nhân vật cụ thể.

Greta Thunberg (sinh năm 2003) là nhà hoạt động môi trường từng không ít lần nói đến sự nguy hại của ngành công nghiệp thời trang. Trong khi đó, Molly-Mae Hague, á quân show hẹn hò Love Island, nổi bật trong vai trò giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang nhanh giá cực rẻ PrettyLittleThing.

Lý giải về sự mâu thuẫn này, Malthe Overgaard, nhà nghiên cứu từng làm việc tại Trường Kinh doanh Aarhus, nói: "Những người trẻ tuổi có nhận thức phức tạp và mơ hồ về tính bền vững. Tất cả đều đồng ý rằng mình là những người tiêu dùng có ý thức, nhưng mặt khác, họ được khuyến khích mua nhiều hơn và tiêu dùng nhiều hơn vì nhu cầu luôn sành điệu, hợp thời".

"Tôi chưa bao giờ cảm thấy tội lỗi vì mua sắm"

Scott Bowden (23 tuổi), sống ở Saltash, thường xuyên mua sắm online. Tần suất nhận hàng giao tận nhà nhiều đến mức bố của Bowden và shipper thường hỏi đùa rằng anh đã đặt bao nhiêu quần áo.

Bowden ước tính mình chi 50 bảng Anh/tuần (68 USD) cho mua sắm trang phục từ các nhà bán lẻ như Asos cho đến thương hiệu giá rẻ Shein.

Gần đây khi đọc được những tin tức về sự bóc lột nhân công của ngành thời trang nhanh, Bowden bắt đầu nhận thức được các vấn đề đạo đức xung quanh thói quen mua sắm của mình.

"Nếu phát hiện ra rằng mọi người đang bị ngược đãi hoặc trả lương thấp, tôi phải suy nghĩ lại về việc mua hàng của một thương hiệu".

Mikaela Loach, 23 tuổi, hiện là sinh viên và nhà hoạt động khí hậu, môi trường. Ảnh: mikaelaloach.

Loach cũng có chung suy nghĩ. "Khi còn đi học, tôi luôn mua quần áo mới và chưa bao giờ thực sự xem xét tác động của thói quen đó hoặc mức độ nguy hại của ngành công nghiệp này".

Mọi thứ thay đổi khi Loach xem bộ phim tài liệu The True Cost (2015) nói đến những thiệt hại về môi trường và vi phạm lao động vốn có trong ngành công nghiệp may mặc toàn cầu.

"Ngành công nghiệp thời trang được thiết kế để mang tính bóc lột. Sự không rõ ràng, thiếu minh bạch là điều cho phép nó tồn tại".

Tuy nhiên, không phải tất cả người trẻ đều ngừng mua sắm nếu họ nhìn thấy thực tế của ngành thời trang. Một số người đã biết và vẫn chọn mua.

Trong trường hợp của sinh viên 21 tuổi Teresko, cô hoàn toàn hiểu nhưng thực sự không quan tâm đến những câu chuyện đó.

"Nếu mua thứ gì đó trực tuyến, tôi chẳng bao giờ nghĩ, 'đó là thời trang nhanh, tôi không nên mua nó'. Tôi chưa bao giờ cảm thấy tội lỗi vì mua sắm. Tôi chỉ thấy như vậy nếu mình tiêu quá nhiều tiền".

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ap-luc-khong-the-mac-mot-chiec-vay-hai-lan-cua-gen-z-post1269353.html