'Áo mới' Hà Đông

Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) được thay 'áo mới', khởi sắc từng ngày.

Hà Đông đón chúng tôi trong một ngày cuối đông ấm áp. Con đường từ trung tâm huyện dẫn vào xã đã được thảm nhựa phẳng lì. Hệ thống đường giao thông nông thôn của xã cũng được đầu tư bài bản. Cuộc sống của 1.030 hộ dân với 5.480 khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 95,8% đang ngày càng ổn định.

Được biết, để giúp bà con vươn lên trong cuộc sống, từ năm 2020 đến nay, UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ 37 hộ trồng 15 ha cà phê; hỗ trợ giống cây sa nhân tím trồng dưới tán rừng với diện tích 10 ha; cấp 320 cây mít Thái, 320 cây sầu riêng nhằm cải tạo vườn tạp; hỗ trợ 20 con bò sinh sản cho 20 hộ nghèo...; đồng thời phối hợp mở các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, các lớp đào tạo nghề nông thôn.

Đường vào trung tâm xã Hà Đông đã được trải nhựa thuận tiện cho người dân đi lại, giao thương. Ảnh: L.N

Đường vào trung tâm xã Hà Đông đã được trải nhựa thuận tiện cho người dân đi lại, giao thương. Ảnh: L.N

Dừng chân tại làng Kon Mahar, chúng tôi dễ dàng nhận ra sự đổi thay trong cuộc sống của người dân. Hệ thống đường giao thông trong làng được bê tông hóa, nhiều ngôi nhà được làm bằng gỗ theo kiểu nhà sàn khá kiên cố. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Xơr vui vẻ cho hay: Trước đây, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Từ năm 2020, được Nhà nước hỗ trợ, gia đình đã trồng được 500 cây cà phê. Hiện nay, vườn cà phê đã cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao hơn chục lần so với cây mì. Năm 2023, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo.

Còn ông Chiên-Trưởng thôn Kon Mahar thì cho biết: Bộ mặt làng Kon Mahar đã đổi thay rất nhiều, đường sá đi lại thuận tiện, các cháu nhỏ đi học không còn cảnh trên đường lầy lội vào mùa mưa, việc chăm sóc sức khỏe người dân được tốt hơn. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế của người dân vẫn còn chậm. Làng Kon Mahar còn 101 hộ nghèo, chiếm 39,67% và 54 hộ cận nghèo, chiếm 21,26%. Thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, dân làng sẽ từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo.

Một góc làng Kon Mahar. Ảnh: Lê Nam

Một góc làng Kon Mahar. Ảnh: Lê Nam

Tương tự, làng Kon Nak có 221 hộ với 1.085 khẩu, trong đó, 77 hộ nghèo, chiếm 34,84%; 54 hộ cận nghèo, chiếm 24,43%. Anh Tươr cho hay: “Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo. Hiện cuộc sống gia đình còn khó khăn nhưng so với trước kia thì đỡ hơn rất nhiều. Tôi sẽ cố gắng làm ăn để phát triển kinh tế và nuôi dạy con cái học hành”.

Trao đổi với P.V, bà Choăt-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông-thông tin: Những năm gần đây, được sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, Hà Đông đã có nhiều khởi sắc, nổi bật nhất là hệ thống giao thông nông thôn; hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, điện chiếu sáng, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư khang trang; các làng cũng xây dựng được nhà sinh hoạt cộng đồng giúp người dân có nơi vui chơi, sinh hoạt. Ngoài ra, bà con còn có thêm nguồn thu nhập từ tiền nhận khoán bảo vệ rừng. Trong xã có 3 cộng đồng làng Kon Pơ Dram, Kon Sơ Nglok, Kon Mahar nhận khoán với diện tích hơn 2.552 ha rừng. Năm 2023, xã có 81 hộ thoát nghèo, giảm còn 384 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 37%; còn 242 hộ cận nghèo, chiếm 23,31%.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì, nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả và triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn khuyến nông, đào tạo nghề để người dân tiếp cận được với khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế để nâng cao đời sống”-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông nhấn mạnh.

LÊ NAM

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ao-moi-ha-dong-post262587.html