Ánh sáng của vườn

Khi ngọn gió se hanh hao gọi nắng về, trời bất chợt trong hơn, khí thanh hơn. Sân vườn cũng chợt bừng sáng, bừng ấm, dẫu trên nhành cây kẽ lá vẫn còn đâu đó dấu vết của những búp đụt cành tàn.

Mùa xanh đã bắt đầu. Nách lá đã lấp ló mụt non, đất đã ấm cho rễ trắng lan dài, ngọn đã lấp lóa bung biêng cười trong nắng mới, rộn hòa vào bản tình ca say đắm của chim chóc, đất trời.

Tôi nghiêng bên thềm, nắng mai nghiêng trên cành. Nắng chảy tràn lên không gian vườn còn đẫm sương đêm trinh nguyên, mùi ban mai vừa bừng thức dưới giọt nắng đầu tiên. Lặng nhớ những câu văn đẹp của người được mệnh danh “thi sĩ thiên nhiên”: “Tôi có một thiên đường đã mất, phía bên ngoài cửa sổ, bên kia những hàng cây và những mái nhà… đấy là một không gian thơm mùi hoa cỏ dại, đất sau cơn mưa và nhiều khi tôi ngửi thấy mùi của những ngọn gió lạ” (Lý chuồn chuồn-Hoàng Phủ Ngọc Tường). Và, tôi cũng đi tìm một “thiên đường” bỏ ngỏ…

Minh họa: Huyền Trang

Không gì thú vị bằng giữa những lúc bận rộn, chen vào sự hối hả quen thuộc là một khoảng lặng hiếm hoi nhưng đủ để lòng tĩnh lặng, bình yên. Cảm giác đủ đầy có lẽ là một khoảnh khắc. Hít căng lồng ngực một làn mộc quế hoa thơm mát tan loãng trong hương vườn sớm mai, tìm kiếm trong hơi gió đâu đó một chút hăng nồng của cỏ ấm, một chút thanh tao của hương bưởi đầu đông, phút giây khứu giác chơi trò chơi trốn tìm là khoảnh khắc tâm hồn ngập tràn sự đủ đầy ấy. Phải chăng khi thời gian trôi qua, nhiều “thiên đường” đã biến mất, đã hư tan trong âm thầm phát triển không ngừng của nhịp sống hiện đại. Nhưng tôi vẫn thực sự tin rằng, trong tâm thức và ký ức của con người từng gắn bó với thiên nhiên, với vườn tược, cỏ cây, còn đâu đó là những thiên đường êm ái đang gọi mời và bừng thức.

Gia Lai, mảnh đất bazan màu mỡ đã nuôi dưỡng không biết bao nhiêu vườn cây trái. Cách đây hơn 20 năm, trừ những ngôi nhà mặt tiền hướng ra con đường trải nhựa lớn, những cửa hiệu sầm uất bán buôn trên tuyến huyết mạch giao thông của Phố núi, thì hầu như nhà nào cũng đều có vườn. Tôi vẫn còn nhớ như in những buổi sớm mai, đất còn ẩm sương mà vườn đã bừng thức với nắng mơ, với chít chiu chim hót và mùi thơm của hương ổi chín dịu dàng. Một không gian thấm đẫm hồn nhiên tuổi thơ và yên bình. Cây bơ cuối vườn nhà là giống bơ vỏ xanh, hạt nhỏ, cùi dày, béo mịn, thơm ngậy. Cây ổi bên góc vườn là giống ổi xá lị ruột trắng, trái xây thành tầng, có chùm lúc lỉu sà xuống đất, những quả ổi giòn tan ngọt thanh như tiếng cười tuổi thơ lũ trẻ xóm tôi. Trước cổng nhà là cây mận trắng xanh, một cây có 3 tầng quả, tầng dưới quả to, rỗng ruột, càng lên cao càng đặc ruột và cuối cùng là không hạt. Tuổi thơ tôi bình dị mà hạnh phúc lớn lên theo từng năm tháng tuổi cây trái quanh vườn.

Giờ đây, không gian sống hiện đại đã thu hẹp không gian của vườn tược. Nhiều vườn cây lâu năm đã bị phá bỏ, đất bán, người rời đi, người giữ được vườn thì diện tích vườn phải quy hoạch, giống cây phải chọn lọc lại, nhiều cây phải dời vào chậu, tán không thể vươn xa, rễ không thể bò sâu bám đất, quả không còn đượm vị đậm đà ngọt sắc. Nhưng, tôi thấy gia đình mình vẫn may mắn khi còn được sống trong không gian của vườn tược, dẫu không còn như xưa, như “thiên đường” tuổi nhỏ, song cũng đủ an ủi, bằng lòng.

Chẳng phải chúng ta hay vô tình bị cuốn vào guồng quay cuộc sống hối hả để rồi một ngày nào đó, trong âm thầm mệt mỏi, ta vô thức tìm về với những gì rất tự nhiên như một nhu cầu tất yếu để cân bằng. Có khi nào đó, ta lật đật hạ cửa kính xe khi đi giữa mùa vàng của đồng quê thơm nức để hít hà, ta vòng ngược xe để mua một ôm hoa sen vừa ngắt từ hồ, được bó cẩn thận trong lá sen còn nguyên vẹn cái ngai ngái mùi bùn, ta sà suống một rổ ổi vườn thơm nức mũi, một buồng chuối chín cây lốm đốm vỏ xanh vàng rám nắng bán ở ven đường… Những sắc màu xưa đã bỏ lại, những mùi hương kỷ niệm dần phôi pha, những vị ngọt tan vào ký ức. “Thiên đường tuổi thơ” bây giờ chỉ còn trong hoài niệm, nhưng có lẽ, với nhiều người, nó là hoài niệm mới hôm qua, rực rỡ và ấm áp thứ ánh sáng của vườn, của hồn nhiên, êm đềm tuổi nhỏ.

Tôi đã lớn lên cùng vườn cây của ba, từ trái ngọt, hương thơm của mùa, từ hồn hậu phóng khoáng của mảnh đất bazan lộng gió. Tâm hồn cũng được nuôi dưỡng từ đó, từ ánh sáng của vườn và ký ức ngọt lành về nó. Đến một ngày, chợt nhận ra và thấm thía câu nói “người ta trồng cây không chỉ để chờ ngày hái quả”, mà để vun xới, mong đợi một điều gì đó thật sâu dài, bền bỉ. Và, cũng là để cho người làm vườn hôm nay thấy giọt mồ hôi nhọc nhằn chăm bẵm, tưới tắm sẽ nở hoa, kết trái, đọng mùa trong mùi hương khắc sâu nỗi nhớ, trong vị ngọt đinh ninh đầu lưỡi, trong tiếng cười giòn tan, trong ký ức ngọt lành của trẻ thơ năm, mười, mười lăm năm hay nhiều năm sau nữa.

NGUYỄN THỊ KIM THOA

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/anh-sang-cua-vuon-post257281.html