94 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử

Hiện có 94 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử, trong đó có nhiều 'ông lớn' như: Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple...

Năm 2023, doanh thu quản lý thuế từ hoạt động thương mại điện tử đạt 3,5 triệu tỷ đồng (gần 146,28 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng. Cơ quan thuế siết quản lý trong lĩnh vực đầy tiềm năng này thông qua chia sẻ dữ liệu đắt giá từ cơ quan công an, ngân hàng hay sàn thương mại điện tử.

Hiện có 94 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử.

Cũng theo Tổng cục Thuế, hiện đã có 94 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử, trong đó có Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfis, Apple...

"Số thuế đã nộp trong 4 tháng đầu năm 2024 là 2.998 tỷ đồng. Số đã nộp lũy kế từ khi triển khai là 14.572 tỷ đồng, trong đó, khai trực tiếp qua cổng là 11.744 tỷ đồng, kê khai nộp thay là 2.828 tỷ" - Tổng cục Thuế thông tin.

Thị trường thương mại điện tử ngày càng được mở rộng, đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia, với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Từ cuối năm 2022, các sàn thương mại điện tử phải cung cấp dữ liệu, thông tin định kỳ lên cơ quan thuế. Theo ghi nhận, cơ quan thuế các địa phương đang rốt ráo rà soát các hộ kinh doanh, cá nhân bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, dù doanh thu ít hay nhiều cũng phải kê khai và giải trình.

Tuy nhiên, việc phát triển như vũ bão của thương mại điện tử cũng đặt ra những thách thức mới với công tác quản lý thuế, làm sao để quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, áp dụng quản lý hiện đại, hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc trên nguyên tắc quản lý tuân thủ theo rủi ro trên cơ sở dữ liệu lớn về thuế và từ các bộ, ngành có liên quan.

Ngành thuế đã phân loại người nộp thuế tham gia hoạt động thương mại điện tử theo 2 nhóm chính.

Thứ nhất là cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong trong nước, bao gồm: chủ sở hữu nền tảng có hoạt động thương mại điện tử; tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội và các nền tảng khác.

Thứ 2 là cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, bao gồm: nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động đăng tải sản phẩm, nội dung thông tin số trên các nền tảng nước ngoài; tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử và các nền tảng khác.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/94-nha-cung-cap-nuoc-ngoai-dang-ky-thue-qua-cong-thong-tin-dien-tu.html