9 đơn vị trúng thầu vàng miếng với giá cận kề ngưỡng 90 triệu đồng/lượng

Nếu tính cả phiên giao dịch ngày 21/5, Ngân hàng Nhà nước đã tung ra thị trường 35.100 lượng vàng kể từ khi tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC sau 11 năm tạm hoãn...

Theo thông báo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phiên đấu thầu vàng miếng SJC hôm 21/5 đã có 9 thành viên trúng thầu, với tổng khối lượng trúng thầu là 79 lô. Khối lượng trên tương đương với 7,9 nghìn lượng vàng miếng SJC. Giá trúng thầu cao nhất và thấp nhất đều là 89,42 triệu đồng/lượng.

Nếu tính cả phiên giao dịch hôm nay, nhà điều hành đã tung ra thị trường 35.100 lượng vàng kể từ khi tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo phiên đấu thầu vàng miếng sẽ diễn ra vào sáng 21/5 với giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc sẽ là 88,6 triệu đồng/lượng, giảm 290.000 đồng/lượng so với phiên ngày 16/5 (88,89 triệu đồng/lượng).

Còn lại, các quy định đấu thầu vàng khác không thay đổi, bao gồm khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 5 lô (tương đương 500 lượng). Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 40 lô (tương đương 4.000 lượng).

Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng). Thành viên tham gia đấu giá sẽ phải đặt cọc 10% giá trị khối lượng đăng ký (theo giá tham chiếu).

Khảo sát trên thị trường, giá vàng miếng SJC mua vào và bán ra đang được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết quanh mức 88,5 - 90,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá trúng thầu cao nhất và thấp nhất cao hơn khoảng 920.000 đồng/lượng so với giá mua vào trên thị trường và chỉ "kém" giá vàng miếng bán ra khoảng 1,08 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, mỗi ounce vàng giao ngay giảm xuống 2.415 USD sau khi lập đỉnh vào hôm qua, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank tương đương 74,1 triệu đồng mỗi lượng.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 17/5 vừa qua, Ngân hàng nhà nước đã ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng.

Nội dung thanh tra gồm việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; về phòng, chống rửa tiền. Đồng thời, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành: Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Thời gian thanh tra 45 ngày và đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo đúng quy định của Luật Thanh tra và các quy định có liên quan.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho hay, việc thanh tra sẽ tác động tích cực đến thị trường vàng vì qua đó sẽ nắm được phần nào nhu cầu về vàng miếng và vàng nữ trang. Từ đó, có thể ước tính một năm cần phải nhập bao nhiêu vàng nguyên liệu để tạo nguồn cung cho thị trường. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng phải báo cáo kết quả thanh tra trong tháng 5 nên chỉ còn 10 ngày nữa để thực hiện việc thanh tra các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Thời gian trên chỉ đủ để thanh tra các đơn vị kinh doanh vàng lớn như SJC, PNJ, Doji… cũng như các ngân hàng như ACB, Sacombank, Eximbank… Các đơn vị kinh doanh vàng này đều chấp hành tốt quy định nên sẽ không tác động đến giá vàng. Tuy nhiên, trong tuần này có 2 đợt đấu thầu vàng. Nếu lượng đấu thầu thành công trên 20.000 lượng và sát giá mua vào của các đơn vị kinh doanh vàng, hy vọng khoảng cách giữa vàng trong nước và thế giới sẽ được rút ngắn.

"Để giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới xuống khoảng 10 triệu đồng/lượng cần phải có thêm thời gian. Dự báo giá vàng thế giới trong tuần này tiến dần lên mức 2.500 USD/ounce. Chỉ cần giá trong nước đi ngang là có thể rút được mức đắt đỏ này", vị chuyên gia này dự báo.

Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng việc kiểm tra, thanh tra vàng được ngân hàng, doanh nghiệp hiện quan tâm rất nhiều. Bởi thanh tra sẽ ra nhiều vấn đề như lượng vàng nhập xuất của từng đơn vị, cũng như hàng tồn, nguồn gốc vàng… Bản thân các đơn vị kinh doanh sẽ nghiêm túc vì đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Trong trường hợp vi phạm rất dễ bị rút giấy phép. Thông tin thanh tra thị trường vàng sẽ giúp thị trường ổn định hơn, giá không nhảy múa như thời gian vừa qua. Đó là lý do vì sao giá vàng thế giới tăng phá các mức kỷ lục mà trong nước vẫn chưa lên được mức đỉnh đã xác lập trước đó.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã cung 27.200 lượng vàng (tương đương 1,02 tấn) ra thị trường, dù số lượng chưa lớn nhưng việc đấu thầu vàng đã giải tỏa được tâm lý nguồn cung trên thị trường. Từ đó không làm cho giá vàng miếng tăng quá cao.

"Vào tuần trước, giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới lên 18,5 triệu đồng/lượng, nay rút xuống còn 15 - 16 triệu đồng/lượng. Trong tuần này, Ngân hàng Nhà nước tăng thêm lượng cung vàng ra thị trường thì khả năng mức đắt đỏ sẽ dần rút ngắn", ông Thịnh dẫn chứng và cho rằng giá vàng miếng SJC chỉ nên cao hơn vàng nhẫn 9999 từ 2 - 3 triệu đồng/lượng (hiện nay cao hơn khoảng 13 triệu đồng/lượng) và vàng miếng SJC cao hơn thế giới khoảng 5 - 6 triệu đồng/lượng là hợp lý.

Tuy nhiên, để rút về được mức này cần thêm thời gian. Giá vàng thế giới hiện đã tăng từ 15 - 33%, do đó khả năng trong thời gian tới giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng khi Mỹ giảm lãi suất. Trong tuần này, giá kim loại quý có thể tăng lên mức 2.500 USD/ounce, nên có thể vàng nhẫn sẽ trở lại mức giá kỷ lục đã lập được ở mức trên 78 triệu đồng/lượng.

Huyền Linh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/9-don-vi-trung-thau-vang-mieng-voi-gia-can-ke-nguong-90-trieu-dongluong-post552272.html