8 bộ comic hay nhất trong lịch sử

Lịch sử truyện tranh phương Tây có nhiều tác phẩm xuất sắc. Một số bộ truyện đóng vai trò then chốt trong tiến trình phát triển của công ty phát hành.

Không chỉ có các bộ truyện từ Marvel hay DC, các tác phẩm đến từ Image, Dark Horse cũng xuất sắc không kém. Chúng nổi bật lên trên vô vàn ấn phẩm truyện tranh comic. Mỗi thời đại hay xét ở quy mô bé hơn là mỗi thập kỷ lại có các nét văn hóa, phong cách sáng tác khác nhau; thị hiếu tiếp nhận của công chúng mỗi đoạn thời gian cũng đều có thay đổi. Bởi vậy, danh sách mà trang Screen Rant đưa ra dựa trên tính biểu tượng, sức ảnh hưởng của các tác phẩm đến thời đại.

Sin City (1991-2000) được tạo bởi Frank Miller (thuộc nhà Dark Horse). Bên cạnh những Batman hay Daredevil, Sin City được coi là sáng tạo thành công nhất của nhà văn, họa sĩ Frank Miller. Sin City là câu chuyện có bối cảnh tại một thị trấn ảm đạm, độc tài ở Mỹ. Cách tiếp cận, dẫn dắt của Miller khiến cho bộ truyện mang màu sắc tương phản gay gắt, giống những bộ phim truyền hình dài tập về tội phạm. Tác phẩm ra mắt và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng. Sin City cũng là một trong những bộ truyện nổi tiếng nhất của nhà Dark Horse.

Preacher (1995-2000) được sáng tác bởi Garth Ennis và Steve Dillon. DC là một trong hai hãng truyện tranh lớn của thế giới, họ nổi tiếng với các tác phẩm siêu anh hùng. Tuy nhiên, dấu ấn truyện tranh về chủ đề phi siêu anh hùng của hãng cũng tạo được dấu ấn lớn và thai nghén ra một số tác phẩm kinh điển, vượt thời gian. Preacher chắc chắn nằm trong số đó. Bộ truyện xoay quanh một thảm họa siêu nhiên, có yếu tố tâm linh đang tàn phá một thị trấn nhỏ ở Texas. Jesse Custer, nhà truyền giáo chân chính, đã bị chiếm hữu bởi một thực thể siêu nhiên có cả bản chất thiện lẫn ác thuần túy. Câu chuyện bắt đầu ở phạm vi nhỏ song dần dần phát triển đến quy mô khổng lồ. Preacher là tác phẩm phi siêu anh hùng hiếm hoi chứng minh được sự hấp dẫn của nội dung và khẳng định được chỗ đứng của bản thân.

Tác phẩm kinh điển tiếp theo là Batman: The Long Halloween (1996-1997) của Tim Sale và Jeph Loeb. Rõ ràng, nhắc đến thể loại siêu anh hùng, nhân vật Người Dơi của DC Comics có một vị thế rất lớn. Nhưng trong tất cả, The Long Halloween vẫn nổi lên như tác phẩm truyện tranh thành công và có ảnh hưởng nhất. Đây cũng là một trong các bộ truyện tham khảo của Trilogy The Dark Knight sau này. Cốt truyện được gắn với đề tài trinh thám-kinh dị, làm nổi bật các kỹ năng siêu việt của Batman ngoài điểm mạnh về thể lực, võ thuật và… sự giàu có. The Long Halloween đơn giản là câu chuyện siêu anh hùng ở cấp độ đường phố nhưng nó mang trong mình đầy đủ sức hấp dẫn, sự tinh thế, bước ngoặt hợp lý và hơn hết là lột tả được đầy đủ các khía cạnh về nhân vật Bruce Wayne.

V For Vendetta (1982-1985) đã quá nổi tiếng ở cả định dạng comic lẫn phiên bản điện ảnh. Lấy bối cảnh tại Vương quốc Anh, V for Vendetta là câu chuyện đấu tranh nhưng theo một hướng khác biệt đầy sáng tạo. Nhân vật chính là V, đeo chiếc mặt nạ Guy Fawkes cổ điển, dẫn đầu một cuộc cách mạng chống lại bộ máy chính phủ hư cấu trong truyện. Tác phẩm không thiên về hành động, cũng không ngả về thể loại đấu trí mà nó là sự hòa trộn hoàn hảo của mọi yếu tố phức tạp. Các sắc thái về đạo đức, quan điểm chính trị hay nhân sinh quan đều được đem ra mổ xẻ cẩn thận và “lật ngược vấn đề” ngay khi đúng thời điểm. Các bước ngoặt của truyện diễn ra bất ngờ và đầy thỏa mãn.

Batman: The Killing Joker (1988) được sáng tác bởi Alan Moore, Brian Bolland & John Higgins. Tác phẩm chỉ là bộ truyện dài 46 trang nhưng giá trị nó mang lại rất lớn. Đó là câu chuyện được xây dựng một cách ấn tượng, từ bối cảnh, các pha hành động đến tâm lý nhân vật. Giống như The Long Halloween, The Killing Joker là tài liệu tham khảo cho Trilogy The Dark Knight sau này. Cụ thể hơn là truyền cảm hứng cho vai diễn bất tử của Heath Ledger về Joker. Bộ truyện đã nêu bật lý do mà hoàng tử tội phạm cố bấu víu vào để tàn phá Gotham. Có thể nói, bất cứ khi nào một bản chuyển thể live-action lớn nhằm mục đích xây dựng được một nhân vật Joker có tầm vóc, The Killing Joker luôn là nguồn tài liệu tốt nhất để tham khảo và hiểu được tại sao hắn lại là một siêu phản diện hấp dẫn đến vậy.

Sandman (1989-1996) được tạo bởi Neil Gaiman, Sam Keith, Dave McKean và Mike Dringenberg. Tác phẩm được vinh danh như một trong những bộ truyện mang tính biểu tượng nhất mà DC từng sản xuất. Câu chuyện xoay quanh Dream, một trong bảy thực thể Vĩnh Hằng trong hành trình tìm lại vị thế của mình. Sức hấp dẫn của Sandman là không phải bàn cãi. Mới đây, bộ phim chuyển thể cùng tên do Netflix thực hiện cũng nhận được nhiều yêu thích của khán giả và các fan trung thành.

Batman: The Dark Knight Returns (1986) là tác phẩm của Frank Miller, Klaus Janson và Lynn Varley. Bộ truyện này có giá trị rất lớn đối với lịch sử nhân vật Người Dơi. Nó mang độc giả đến Gotham trong bối cảnh xã hội đi xuống, tầng lớp chính trị tha hóa, đen tối. Bruce Wayne bị buộc phải mặc lại áo choàng và chiếc mũ trùm đầu đặc trưng khi đã hơn 50 tuổi. Anh hành động một cách bất đắc dĩ bởi sự sụp đổ của hầu hết anh hùng khác hoặc những người có vai trò lớn ở phe chính nghĩa. Đó không chỉ là câu chuyện về chính trị hay các pha hành động kịch tính, Batman: The Dark Knight Returns còn là tấm lòng của Hiệp sĩ bóng đêm.

Watchmen (1986-1987) có lẽ là tác phẩm truyện tranh mang tính biểu tượng nhất của Alan Moore. Cùng các nghệ sĩ Dave Gibbons và John Higgins, loạt truyện giống một sự châm biếm đen tối về thể loại siêu anh hùng bằng cách miêu tả một nhóm "anh hùng" mơ hồ về mặt đạo đức và nguy hiểm trong mỗi hành động. Ngay cả sự tương tác giữa các thành viên nhóm cũng có nhiều vấn đề không thể nói rõ. Cùng những tác phẩm như The Sandman và The Dark Knight Returns, Watchmen là một trong số ít truyện tranh đời đầu vào thời điểm đó được xếp hạng trong danh sách Sách bán chạy nhất của The New York Times (The New York Times Best Seller List).

Hứa Mộc

Ảnh: CBR.

Nguồn Znews: https://znews.vn/8-bo-comic-hay-nhat-trong-lich-su-post1450305.html