50 người thiệt mạng do lũ lụt tại Indonesia

Ngày 14/5, cơ quan cứu trợ thảm họa Indonesia (BNPB) cho biết số người thiệt mạng trong trận lũ lụt và sạt lở đá núi lửa tại tỉnh Tây Sumatra của quốc gia này lên tới 50 người, trong khi 27 người khác vẫn đang mất tích.

Máy móc hạng nặng tiến hành công tác dọn dẹp tại Tanah Datar, Tây Sumatra ngày 13/5/2024 sau trận lũ lụt. Ảnh: AFP

Máy móc hạng nặng tiến hành công tác dọn dẹp tại Tanah Datar, Tây Sumatra ngày 13/5/2024 sau trận lũ lụt. Ảnh: AFP

Vụ việc xảy ra vào tối ngày 11/5 khi mưa lớn kéo dài nhiều giờ gây ra sạt lở tại một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở quốc gia này là núi Marapi và gây ra các dòng dung nham lạnh. Dung nham lạnh, còn được gọi là lahar, bao gồm các vật liệu núi lửa như tro, cát và sỏi đổ xuống sườn núi lửa do mưa.

Mưa lớn cũng đồng thời làm ngập nhiều đường sá, nhà cửa và nhà thờ Hồi giáo và cuốn trôi nhiều phương tiện giao thông xuống con sông gần đó. Lũ lụt đã ảnh hưởng chủ yếu tới 4 quận ở Tây Sumatra bao gồm Agam, Tanah Datar, Padang Panjang và Padang Pariaman.

Tính tới ngày 14/5, hãng tin AFP trích dẫn phát ngôn viên BNPB Abdul Muhari cho biết: “Dựa trên các báo cáo, số nạn nhân thiệt mạng do thảm họa được ghi nhận là 50 người”. Trong khi đó, 37 người khác bị thương, 27 người mất tích và 3.396 người đã được sơ tán khỏi khác khu vực bị ảnh hưởng tại Tây Sumatra.

Về các thiệt hại liên quan tới tài sản, ông Muhari cho biết có khoảng 71 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn và 125 ngôi nhà bị hư hại nhẹ do lũ lụt và dòng dung nham lạnh.

Trong những ngày tới, số người thiệt mạng có thể gia tăng hơn nữa trong bối cảnh các nỗ lực cứu hộ vẫn đang được triển khai. Do đó, Giám đốc BNPB Suharyanto kêu gọi triển khai thêm các thiết bị hạng nặng để hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm.

Ông cho biết: “Các con số thống kê sẽ tiếp tục gia tăng. Để giúp tìm kiếm nạn nhân mất tích, thiết bị hạng nặng phải được đưa đến càng nhanh càng tốt”. Việc này là do lực lượng cứu hộ đang phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm người sống sót trong “thời điểm vàng” 6 ngày.

Trong khi đó, việc vận chuyển viện trợ đang được thực hiện bằng các tuyến đường hàng không và đường bộ, cũng như các cây cầu khẩn cấp sau khi lũ lụt và dòng dung nham lạnh cắt đứt một số tuyến đường tiếp cận ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Lở đất và lũ lụt không phải là hiện tượng hiếm gặp tại Indonesia trong mùa mưa. Vào năm 2022 trước đó, khoảng 24.000 người đã phải sơ tán và hai trẻ em thiệt mạng trong trận lũ lụt trên đảo Sumatra.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/50-nguoi-thiet-mang-do-lu-lut-tai-indonesia-post34592.html