2 kịch bản cho thị trường bất động sản năm 2024

Thị trường bất động sản TPHCM sẽ còn tiếp tục mất cân đối 'cung - cầu' nhà ở, thiếu hụt nguồn cung, dẫn tới hệ quả giá nhà có thể bị đẩy lên cao.

Giá nhà ở TP.HCM sẽ tiếp tục tăng hoặc neo ở giá cao. Ảnh: Quốc Hải

Giá nhà ở TP.HCM sẽ tiếp tục tăng hoặc neo ở giá cao. Ảnh: Quốc Hải

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ để đề xuất áp dụng sớm 6 tháng kể từ ngày 1/7/2024 đối với Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

Giá nhà sẽ bị đẩy lên cao từ nay đến cuối năm

Theo ông Châu, trong quý I/2024, TPHCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” với diện tích 3.647,4 m2 và chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại (cũ) đã hoàn thành đầu tư xây dựng với quy mô 219 căn hộ.

"Trong quý I vừa qua, không có dự án nhà ở thương mại nào ở TPHCM đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai và có 62 dự án nhà ở thương mại (dự án cũ) đang triển khai với 28.462 căn hộ", ông Châu tính toán.

Cũng theo Chủ tịch HoREA, trong quý I/2024, cũng không có dự án nhà ở xã hội nào được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy phép xây dựng. Chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội (dự án cũ) đã hoàn thành với 242 căn hộ và đang triển khai thực hiện 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (dự án cũ) với 4.996 căn hộ.

Thiếu hụt nguồn cung, giá nhà ở TPHCM sẽ tiếp tục tăng hoặc neo cao trong năm 2024. Ảnh: Quốc Hải

Thiếu hụt nguồn cung, giá nhà ở TPHCM sẽ tiếp tục tăng hoặc neo cao trong năm 2024. Ảnh: Quốc Hải

"Từ nay đến cuối năm 2024, thị trường bất động sản TPHCM sẽ còn tiếp tục mất cân đối “cung - cầu” nhà ở, thiếu hụt nguồn cung nhà ở, dẫn tới hệ quả giá nhà có thể bị đẩy lên cao hoặc “neo giá cao”, nhất là vẫn “lệch pha” về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân, nhà ở xã hội", ông Lê Hoàng Châu nhận xét.

Cũng theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, tình hình thị trường bất động sản bị khủng hoảng “bong bóng, đóng băng, suy thoái, khó khăn” trong các năm qua làm cho nhiều doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư gặp khó khăn, bị thiệt hại, thua lỗ rất lớn, thậm chí có một số doanh nghiệp bị phá sản.

"HoREA đề nghị các doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực tự thân để vượt qua khó khăn và xây dựng 'Văn hóa kinh doanh, Tinh thần doanh nghiệp' luôn đặt lợi ích chung của đất nước, cộng đồng xã hội và khách hàng lên trên hết, trước hết, vừa đạt được hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận, vừa đảm bảo nguyên tắc 'lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ' giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước...", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho hay.

Tuy nhiên, xét về mặt chủ quan thì có phần “trách nhiệm” của không ít doanh nghiệp bất động sản và cả một bộ phận của lực lượng môi giới, nhà đầu tư “lướt sóng”, đầu nậu cũng không phải “vô can”.

Do vậy, HoREA đề nghị các doanh nghiệp bất động sản nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với tình hình diễn biến, biến động của thị trường bất động sản trong thời gian qua, nhất là trong việc chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật và những mặt yếu kém trong công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp...

Từ nay đến cuối năm, giá nhà ở TPHCM sẽ tiếp tục tăng cao?

Theo ông Lê Hoàng Châu, tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội (tháng 5-6/2024) dự kiến sẽ xem xét đề xuất của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị áp dụng sớm 06 tháng kể từ ngày 01/07/2024 đối với Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

Nguồn: HoREA

Nguồn: HoREA

Vì vậy, Chủ tịch HoREA đưa ra 2 kịch bản với thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm.

Trường hợp 1: Nếu được “tiếp sức” bằng việc tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ cho phép áp dụng Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 kể từ ngày 1/7/2024 và xem xét thông qua 02 dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội gồm: Dự thảo 'Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở' và 'Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với đối tượng thí điểm là các dự án đầu tư công nhóm B, C'.

Khi đó, TPHCM sẽ xử lý được hầu hết các “vướng mắc pháp lý” của 148 dự án bất động sản trên địa bàn TP mà “vướng mắc pháp lý” đang chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản và đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân, nhà đầu tư và vừa có tác động “tích cực”, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản từ khoảng cuối năm 2024 trở đi.

Bảng tổng hợp dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn và số lượng giao dịch nhà ở giai đoạn 2016 - 2023 tại TPHCM. Nguồn: HoREA

Bảng tổng hợp dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn và số lượng giao dịch nhà ở giai đoạn 2016 - 2023 tại TPHCM. Nguồn: HoREA

Trường hợp 2: Nếu Quốc hội không cho phép áp dụng sớm các luật trên kể từ ngày 1/7/2024 thì sẽ có tác động “làm chậm” tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản, chậm thêm khoảng 06 tháng và nếu Quốc hội không thông qua dự thảo 2 Nghị quyết nêu trên sẽ dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản tiếp tục thiếu hụt nguồn cung dự án dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại.

"Khi đó, thị trường sẽ tiếp tục tình trạng “lệch pha” sản phẩm nhà ở, “lệch” về phân khúc nhà ở cao cấp, thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá vừa túi tiền và tiếp tục tình trạng giá nhà bị đẩy lên cao hoặc “neo” giá cao", ông Châu nhận định.

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/2-kich-ban-cho-thi-truong-bat-dong-san-nam-2024-post683450.html